Bên cạnh những lý do mà một số chuyên gia đã lý giải, có lẽ cũng cần nêu thêm một vài lý do dẫn đến tỉ lệ tốt nghiệp xuất sắc và giỏi ngày càng tăng.
Ảnh hưởng từ đánh giá giảng viên
Hiện nay do yêu cầu của kiểm định, gần như tất cả môn học đều phải xác lập các chuẩn đầu ra về mặt kiến thức, kỹ năng và mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người học; đồng thời với việc xác lập chuẩn đầu ra là các phương pháp đánh giá, phương pháp kiểm tra để đánh giá mức độ đạt các chuẩn đầu ra ấy nơi môn học.
Lẽ dĩ nhiên, cùng một môn học nhưng chuẩn đầu ra giữa các trường không đương nhiên là giống nhau. Có trường đặt ra chuẩn đầu ra cao hơn, khó hơn và có trường đặt ra chuẩn đầu ra dễ hơn, thấp hơn.
Vì thế, điều cần phải xác định là sinh viên cùng tốt nghiệp loại giỏi nhưng chất lượng của loại giỏi khác nhau giữa các trường do chuẩn đầu ra và cách đánh giá khác nhau.
Song song với chuẩn đầu ra và phương thức kiểm tra, đánh giá thì hiện nay gần như tất cả các trường đại học đều triển khai công tác đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên đối với môn học cũng như đối với giảng viên sau khi kết thúc học kỳ.
Điều này có tác động đến việc đánh giá, cho điểm của giảng viên. Bởi nếu đánh giá và cho điểm khắt khe, có thể giảng viên sẽ nhận lại điểm hài lòng thấp từ phía người học.
Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng được các trường tiếp tục mời giảng dạy ở những học kỳ sau, nhất là đối với những trường ngoài công lập vốn rất "chiều" sinh viên - nguồn thu chính của các trường.
Để thích nghi tốt hơn với công việc
Đó có thể là hai lý do khiến cho tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi tăng cao như chúng ta đã thấy.
Tuy nhiên, dù đánh giá thực chất, chuẩn đầu ra cao và giỏi thực chất thì cũng không có nghĩa là dễ có việc làm hay làm việc dễ dàng. Bởi những kiến thức, kỹ năng có được từ trường đại học chỉ ở mức căn bản hoặc hơn một chút.
Vì thế, để làm việc đáp ứng được đòi hỏi trong thực tế bắt buộc sinh viên phải có khả năng tự học, tự bồi dưỡng sau khi ra trường.
Như vậy, những sinh viên nào giỏi về khả năng tự học, tự bồi dưỡng mới có khả năng thích nghi tốt hơn với những đòi hỏi của doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động.
Mặt khác, việc tiếp cận với việc làm không hẳn chỉ phụ thuộc vào phía sinh viên mà còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội.
Nếu sinh viên ra trường trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa thì khả năng tìm kiếm được việc làm rất khó khăn dù cho tốt nghiệp đại học loại nào đi chăng nữa.
Tất nhiên, học giỏi thì vẫn tốt vì sẽ có nhiều cơ hội hơn, khả năng thành công sẽ cao hơn, nhưng phải giỏi thật và giỏi cách liêm chính.
Trong 5 năm trở lại đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi ở nhiều trường đại học tăng mạnh.