Trong phiên giao dịch hôm qua (13/11), cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát là mã cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số VN-Index. Mặc dù thị trường chung điều chỉnh như HPG vẫn đạt được mức tăng 2,64% (tương ứng tăng 700 đồng) lên 27.200 đồng/cổ phiếu với thanh khoản cao.
Cụ thể, khớp lệnh toàn phiên tại HPG lên tới 44 triệu cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch lên tới xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của Hòa Phát theo đó được đẩy lên mức 158.162,2 tỷ đồng.
Mã cổ phiếu này đang có chuỗi tăng rất tích cực kể từ đầu tháng 11, tăng 18,26% so với mức tham chiếu phiên 1/11, tương ứng mỗi cổ phiếu tăng giá 4.200 đồng.
Trong tháng 11 này, vợ chồng ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - Tập đoàn Hòa Phát đã thực hiện giao dịch quan trọng, chuyển quyền sở hữu một lượng lớn cổ phiếu HPG cho con trai là ông Trần Vũ Minh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong.
Cụ thể, ngày 1/11, ông Trần Vũ Minh mua thỏa thuận 16,32 triệu cổ phiếu HPG từ ông Trần Đình Long và tiếp đến, ngày 6/11, mua thỏa thuận 26,57 triệu cổ phiếu từ bà Vũ Thị Hiền. Trong 2 phiên giao dịch nói trên, tại HPG cũng ghi nhận có các giao dịch thỏa thuận trị giá lần lượt là 351 tỷ đồng và 623 tỷ đồng.
Sau các giao dịch trên, khối lượng cổ phiếu HPG mà ông Trần Vũ Minh nắm giữ đã tăng lên 133,63 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 2,3%. Tuy vậy, tổng số lượng cổ phiếu và tỷ lệ nắm giữ của gia đình Chủ tịch Hòa Phát tại tập đoàn không thay đổi, vẫn đạt gần 2,04 tỷ đơn vị cổ phiếu và 35,02%.
Tạm tính theo thị giá của HPG tại thời điểm đầu giờ sáng nay (14/11), tài sản của ông Trần Vũ Minh là 3.635 tỷ đồng.
Trong đó, riêng giá trị phần cổ phiếu mà ông Minh mua thỏa thuận từ ông Trần Đình Long (bố) đã tăng thêm 68,5 tỷ đồng và phần cổ phiếu mà ông Minh mua thỏa thuận bà Vũ Thị Hiền (mẹ) cũng tăng thêm 55,8 tỷ đồng giá trị so với giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.
Đáng chú ý là cổ phiếu HPG (và các cổ phiếu ngành thép) vẫn tăng giá mạnh bất chấp việc giá điện đã được tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11, ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép.
Giới phân tích ước tính chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép.
Giả định nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, khi chi phí điện tăng 4,5% sẽ làm cho giá vốn bán hàng tăng thêm. Kéo theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép giảm 23%.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.