“Thật sự rất khó để tìm được việc làm ở các công ty lớn”, Liu cho biết. Liu 24 tuổi, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sản xuất truyền hình tại một trường đại học ở Bắc Kinh, sau đó chuyển về quê nhà ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Liu cho biết trong thời gian làm công việc này, anh sẽ trau dồi kiến thưc để thay đổi con đường sự nghiệp của mình.
Anh Liu nhận vai trò thủ thư sau khi Chính phủ Trung Quốc triển khai chiến dịch đảm bảo công việc tạm thời cho sinh viên tốt nghiệp. Các nhà phân tích mô tả đây giải pháp ngắn hạn nhằm duy trì ổn định xã hội trong bối cảnh kinh tế đang suy yếu và có rất ít cơ hội dành cho giới trẻ.
Những “công việc phúc lợi” ở Trung Quốc bao gồm các vai trò như lễ tân, quản trị văn phòng, nhân viên bảo vệ và nhân viên cộng đồng. Hàng năm, các tổ chức chính phủ sẽ giới thiệu các công việc này và thường nhận đơn đăng ký từ các nhóm có hoàn cảnh khó khăn, như người già hoặc người khuyết tật.
Năm nay, khi cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở thanh niên ngày càng trầm trọng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay cả những công việc ở vùng nông thôn hẻo lánh cũng bị cạnh tranh gay gắt. Các nhà kinh tế cho biết những người trẻ Trung Quốc có bằng tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu cũng có nguy cơ thất nghiệp cao.
Theo các nhà phân tích, chính phủ coi việc làm chính là yếu tố quan trọng giúp xoa dịu thế hệ bi quan nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Sinh viên mới tốt nghiệp có ít kinh nghiệm cũng có thể mang lại lợi ích cho người sử dụng lao động tương lai, nếu nền kinh tế phục hồi.
Khảo sát của công ty tuyển dụng Liepin Trung Quốc chỉ ra rằng hợp đồng lao động từ 1 đến 3 năm trả lương tối thiểu trong khu vực, từ 2.000 đến 3.000 nhân dân tệ (6,7 – 10 triệu đồng)/tháng, đôi khi bao gồm cả trợ cấp ăn trưa. Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trung bình của người lao động về mức lương cho công việc đầu tiên là 8.033 nhân dân tệ (27 triệu đồng).
Chương trình riêng biệt, hướng tới 1 triệu thực tập sinh trong năm nay, đã thu hút các công ty nhà nước và tư nhân tham gia.
Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận về các chương trình của chính phủ hoặc thị trường việc làm. Song giới chức cho biết thị trường việc làm của thanh niên đang được cải thiện.
Trong năm qua, Trung Quốc đã giảm bớt một số hạn chế pháp lý đối với các công ty công nghệ, bất động sản và tài chính - những lĩnh vực có truyền thống tuyển dụng nhân tài trẻ. Ngoài ra, nước này cũng khuyến khích thanh niên mới tốt nghiệp đảm nhiệm những công việc đòi hỏi tay nghề thấp hơn.
Ngày 15/11, cục thống kê dự kiến sẽ không công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên trong tháng thứ tư liên tiếp. Báo cáo này đã tạm ngừng từ tháng 7, sau khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6, tương đương 11,6 triệu sinh viên.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết công việc nhà nước - nơi cung cấp 1/5 số việc làm ở thành thị ở Trung Quốc - chỉ có thể tạm thời giảm bớt áp lực kinh tế cho một bộ phận sinh viên mới tốt nghiệp đại học thông qua các chiến dịch mới. Giới chức cảnh báo tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vẫn là vấn đề đau đầu đối với Bắc Kinh về lâu dài.
Ông Wang Jun, nhà kinh tế trưởng tại Huatai Asset Management, nhận định tình trạng thất nghiệp ở thanh niên sẽ còn tồn tại khá lâu, ít nhất là từ 5 đến 10 năm tới. Ông cho rằng các công việc tạm thời chỉ là giải pháp ngắn hạn giúp xã hội ổn định, nhằm giảm bớt thách thức do tình trạng thất nghiệp gây ra.
Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, khi thanh niên có học thức trở về thành phố sau khi làm việc trên các trang trại. Tình trạng này cũng xảy ra vào cuối những năm 1990, khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt các tập đoàn nhà nước kém hiệu quả.
Hồi tháng 8, Chen, 23 tuổi, sinh viên vừa ra trường, cho biết cô đã đánh bại hơn 10 ứng viên để giành được vị trí thư ký tại một trung tâm nông nghiệp địa phương ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc. Chen cho biết ước mơ của cô là trở thành giáo viên. “Khoảng cách giữa ước mơ và thực tế của tôi là rất lớn”, cô chia sẻ.
Theo các nhà phân tích, cả Chen và Liu đều đang tận dụng những công việc nhàn nhã nhất để ôn tập cho kỳ thi công chức có tính cạnh tranh cao năm 2024, vốn thu hút kỷ lục 2,6 triệu người nộp đơn. Nếu vượt qua kỳ thi này, họ sẽ bắt đầu con đường sự nghiệp được nhiều người khao khát nhất ở Trung Quốc, được gọi là “chiếc bát sắt” để ổn định tài chính.
Song Liu chưa từng nghĩ anh sẽ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực công, nhưng ít nhất hiện tại Liu rất vui vì anh có thể nắm bắt cơ hội đó. “Tôi không muốn bố mẹ thấy tôi ở nhà cả ngày không có việc gì làm”, anh Liu nói.