10 tháng đầu năm 2023, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Cục Thuế TP.HCM bằng hơn 86% so với cùng kỳ. Trong đó số thu thuế mặt hàng bia rượu, thuốc lá vốn chiếm tỉ trọng lớn giảm mạnh.
Cục Thuế TP.HCM cho biết thu thuế tiêu thụ đặc biệt tháng 10 vừa qua chỉ đạt 1.515 tỉ đồng, bằng 91,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, thu thuế tiêu thụ đặc biệt 16.906 tỉ đồng, bằng 70,4% dự toán pháp lệnh và bằng 86,2% so với cùng kỳ.
Bóc tách riêng từng khoản thu, Cục Thuế TP.HCM cho biết số thuế mặt hàng bia, rượu chiếm tỉ trọng đến 46% trên tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng tốc độ thu chỉ bằng 82,2% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân do sản lượng tiêu thụ 10 tháng đầu năm của ba doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng bia, rượu lớn là Tổng công ty Sabeco, Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây và Công ty Heineken giảm mạnh. Tổng sản lượng bán ra mặt hàng bia bằng 84% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Công ty Heineken đẩy mạnh công suất sản xuất của nhà máy ở Vũng Tàu và giảm sản lượng sản xuất tại TP.HCM cũng làm giảm số nộp.
Đứng thứ hai là mặt hàng thuốc lá, vốn chiếm tỉ trọng 40% trong tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng sản lượng bán ra bằng 97% so với cùng kỳ, dẫn đến số thu 10 tháng cũng đi xuống.
Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, người dân thắt lưng buộc bụng, doanh số tiêu thụ bia rượu giảm còn do sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra nồng độ cồn.
Thời gian qua, các đợt cao điểm xử phạt tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn được cảnh sát giao thông trên cả nước đồng loạt ra quân, triển khai liên tục, tập trung tại các đô thị lớn nhằm thiết lập kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn trên các tuyến giao thông.
Việc siết chặt kiểm tra tài xế say xỉn, mạnh tay xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã góp phần thức tỉnh các "ma men", nỗi ám ảnh bởi các vụ tai nạn thảm khốc do rượu bia cũng giảm dần. Qua đó người dân cũng hình thành với thói quen uống rượu bia không lái xe.
Với mặt hàng ô tô dưới 24 chỗ ngồi sản xuất lắp ráp trong nước, chiếm tỉ trọng 4% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt, Cục Thuế TP.HCM cho biết cũng không ngoại lệ khi lượng xe tiêu thụ 10 tháng đầu năm giảm hơn một nửa (56,5%) so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chính sách gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang có hiệu lực cũng ảnh hưởng tới số thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.
Ước tính số thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước gia hạn tháng 10 là 178 tỉ đồng, lũy kế 10 tháng là 581 tỉ đồng.
Dù chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng lượng tiêu thụ bia, rượu vẫn có xu hướng tăng. Như năm 2013, lượng bia tiêu thụ trong nước là 3 tỉ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người. Năm 2020 tăng lên 4,2 tỉ lít.