Theo báo SCMP ngày 14-11, Trung Quốc ra mắt thế hệ mới nhất của mạng Internet thế giới - mạnh hơn gấp 10 lần so với các mạng chủ lực hiện tại.
Trước đó, các chuyên gia dự đoán mạng tốc độ cực cao 1 terabit/giây sẽ không xuất hiện trước năm 2025.
Với tốc độ lên đến 1,2 terabit (1.200 gigabit)/giây, mạng Internet mới nhất của Trung Quốc có thể giúp người dùng gửi dữ liệu nặng bằng 150 bộ phim trong chớp mắt, nhanh hơn 3 lần so với mạng Internet hàng đầu ở Mỹ.
Hiện đa số các tuyến mạng lõi của thế giới đạt tốc độ khoảng 100 gigabit/giây. Mỹ cũng chỉ vừa mới hoàn tất việc chuyển đổi thế hệ thứ 5 của mạng Internet2 với tốc độ 400 gigabit/giây.
Sau khi vượt qua nhiều kiểm tra và cho thấy sự vận hành ổn định, tuyến cáp quang dài 3.000km đã được kích hoạt vào tháng 7-2023 và chính thức được đưa vào hoạt động hôm 13-10.
Là tuyến mạng lõi (backbone network) chủ lực để kết nối các thành phố lớn ở Trung Quốc, tuyến mạng này có thể truyền dữ liệu với tốc độ 1,2 terabit mỗi giây giữa Bắc Kinh ở miền Bắc, Vũ Hán ở miền Trung và Quảng Châu ở phía Nam.
Thành tựu cho mạng Internet nhanh nhất thế giới trên là kết quả của sự hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa và các công ty viễn thông Trung Quốc, bao gồm China Mobile, Huawei Technologies và Cernet Corporation.
Theo báo SCMP, thế hệ mạng lõi mới này đánh dấu một bước tiến công nghệ mới của Trung Quốc, khi có nhiều lo ngại cho rằng đất nước tỉ dân đang phải phụ thuộc vào Mỹ và Nhật Bản cho các bộ định tuyến và các thiết bị cần thiết khác cho công nghệ mạng.
Toàn bộ phần mềm và phần cứng của thế hệ này được sản xuất nội địa tại Trung Quốc. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã có các cải tiến cho nhiều thiết bị, như bộ định tuyến, thiết bị chuyển mạch và các kết nối cáp quang.
Mới đây, nhà mạng China Mobile Communications Corporation Co., Ltd. (China Mobile) và Huawei đã triển khai thành công mạng FTTR-B cho trại du lịch và khách sạn trên đỉnh Everest.