Dù đây không phải là hội nghị gỡ khó đầu tiên trong năm nay nhưng vẫn có hàng dài kiến nghị và... kiến nghị.
Nhiều nguyên nhân đã được các doanh nghiệp nêu ra như: vướng pháp lý, lãi suất cao, thủ tục kéo dài, thế nhưng một nguyên nhân quan trọng khác có thể nhìn thấy đó là sức mua quá yếu lúc này đang gây áp lực lớn lên thị trường. Đây là yếu tố nằm ngoài khả năng quyết định của các chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý.
Trên thực tế trong những năm qua nguồn cung bất động sản nói chung có giảm đi do những khó khăn về pháp lý, nhưng lượng cung hàng ở phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng lại quá nhiều. Đây là phân khúc mà túi tiền của người có nhu cầu thật không đáp ứng nổi.
Không chỉ thiếu sản phẩm vừa túi tiền, trong nhiều năm qua, thu nhập của đại bộ phận người dân không theo kịp tốc độ tăng giá bất động sản. Dù thị trường bất động sản sau những đợt sốt giá đã có sự điều chỉnh nhưng mặt bằng giá sau luôn cao hơn trước.
Công nhân viên chức, người trẻ có nhu cầu mua nhà loanh quanh mức 2 tỉ đồng nhưng hiện rất khó kiếm nhà đất trong phân khúc này, trong khi các sản phẩm phân khúc giá cao, bất động sản nghỉ dưỡng... lại dư thừa. Cung cầu không gặp nhau trong bối cảnh sức mua trên thị trường hiện nay rất thấp khiến thị trường bất động sản đã khó lại càng khó hơn.
Con số thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy sản phẩm bất động sản được giao dịch thành công từ đầu năm đến nay chỉ bằng 10% so với điều kiện bình thường.
Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân thiếu các sản phẩm vừa túi tiền, còn do sự đứng sựng lại của dòng tiền đầu tư.
Những năm vừa qua, bên cạnh nhu cầu mua nhà để ở thì dòng tiền từ nhu cầu đầu tư và tích lũy tài sản đã giúp thị trường bất động sản nhiều thời điểm trở nên sôi động hơn. Nhưng nhu cầu này chỉ xuất hiện khi nhà đầu tư thấy có cơ hội và do đó không thể tạo nên một thị trường phát triển bền vững.
Chưa kể hiện kinh tế toàn cầu khó khăn, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi sức mua giảm, mặt bằng cho thuê trả hàng loạt... Tất cả yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường bất động sản. Người có tiền muốn mua nhà để cho thuê cũng cân nhắc vì tỉ suất sinh lời thấp hơn gửi tiết kiệm.
Do vậy lúc này, khơi thông về pháp lý là vấn đề cần làm nhưng đó không phải là yếu tố chính giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại. Giảm lãi suất cũng là cần thiết nhưng không phải là yếu tố quyết định.
Do vậy trước mắt chủ đầu tư cũng phải chấp nhận cuộc chơi, liệu cơm gắp mắm. Nói như lời lãnh đạo một ngân hàng lớn tại hội nghị vừa qua là anh không thể ôm dự án rồi kêu ngân hàng cứu.
Chủ đầu tư nên có cái nhìn dài hạn, cố gắng xoay xở để cứu mình trước tiên, có thể bằng nhiều cách như bán bớt dự án để trả nợ, chứ không thể bóc ngắn cắn dài hay thấy khó thì kêu. Người mua cũng tương tự như vậy. Ngân hàng đứng cạnh doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải phối hợp mới giải quyết được khó khăn.
Về pháp lý, sắp tới khi Luật Đất đai sửa đổi và hàng loạt đạo luật khác được thông qua thì những vướng mắc về pháp lý sẽ được tháo gỡ dần.
Một khi pháp lý rõ ràng thì nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi quyết định rót tiền, cộng với lãi suất cho vay giảm sẽ giúp sức mua được cải thiện, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên. Nhưng cũng phải chờ thời gian chứ không thể một sớm một chiều.
Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng cả nước đang có 1.200 dự án BĐS trị giá đến 30 tỉ USD đang chờ gỡ vướng, trong đó vấn đề pháp lý chiếm đến 80% những khó khăn.