Số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14-11 cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt. Chứng khoán trong nước lập tức ngập sắc xanh ngay khi mở cửa sáng 15-11.
Tin tốt với chứng khoán
Nhiều nhà đầu tư quan tâm: Liệu thị trường đã vào đợt sóng mới? Một số chuyên gia vẫn cho rằng triển vọng phục hồi chưa thực sự rõ ràng.
Nêu quan điểm với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hoàng Sơn - giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank - nhận định xu hướng tăng đang hình thành một cách rõ ràng hơn.
VN-Index đã tạo đáy ở vùng 1.020 hồi đầu tháng 11, sau đó bật tăng trở lại khi các yếu tố tiêu cực nhất đã qua đi. Phiên sáng nay, VN-Index vượt qua kháng cự MA200 (đường trung bình 200 phiên giao dịch).
"Qua đó cho thấy thị trường đang bước vào nhịp tăng mới. Vùng kháng cự tiếp theo của chỉ số sẽ ở vùng điểm 1.156 - 1.165 điểm", ông Sơn dự báo.
Ông Sơn phân tích lạm phát Mỹ đã giảm, điều này củng cố khả năng Fed không cần tăng thêm đợt lãi suất nào nữa và gần như đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay.
Diễn biến này giúp chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD quay đầu giảm mạnh. Nhờ vậy, tỉ giá Việt Nam hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có thể không cần hút thêm tiền thông qua tín phiếu.
Xu hướng này đã diễn ra vào cuối tuần trước và đầu tuần này khi thiếu vắng các thông báo bán tín phiếu. Sẽ có khoảng 56.000 tỉ đồng và tuần sau khoảng 25.500 tỉ đồng bơm ròng trên thị trường liên ngân hàng.
Khi tỉ giá bớt áp lực, cùng với mức lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục hiện nay, ông Sơn nhận định thị trường sớm đón dòng tiền lớn cả "nội" và "ngoại" sẽ tiếp tục quay trở lại.
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng rất mạnh từ tháng 7 đến nay, góp phần khiến VN-Index giảm điểm. "Đồng USD suy yếu, tỉ giá trong nước ổn định, dòng vốn nước ngoài có thể trở lại", ông Sơn nhận định.
Còn chuyên gia SSI Research chỉ ra, nhìn về lịch sử, dù do bất cứ yếu tố tác động nào, những nhịp điều chỉnh với biên độ hơn 15% trên VN-Index thường đi kèm nhịp hồi phục mạnh mẽ sau đó.
"Nhịp điều chỉnh vừa qua đã khiến VN-Index mất gần 18% điểm số từ đỉnh ngắn hạn, và đưa hệ số định giá P/E và P/B forward về gần các mức thấp nhất trong lịch sử 5 năm là 11 lần và 1,6 lần", chuyên gia SSI Research chỉ ra, nền tảng định giá tốt sẽ giúp thị trường tạo sức bật.
Các ẩn số cần quan tâm thời gian tới?
Dù vậy khối phân tích SSI Research vẫn thận trọng với quan điểm "thị trường có thể vẫn còn những biến động khó lường trong ngắn hạn". Đi kèm là các rủi ro tiềm ẩn như môi trường lãi suất cao ở Mỹ, rủi ro địa chính trị, sự phục hồi yếu của nền kinh tế trong nước.
Ông Trần Hoàng Sơn cũng chỉ ra vài ẩn số cần theo dõi. Thứ nhất, nếu Fed không cần tăng lãi suất nữa, sẽ củng cố cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.
Thứ hai, liệu có chính sách đột phá nào để giải quyết cung bất động sản bị tắc, vấn đề vốn đầu vào và kích cầu đầu ra. "Gỡ được cái khó thị trường bất động sản là đỡ một mối lo trong nền kinh tế", ông Sơn nói.
Với kết quả kinh doanh quý 4-2023, ông Sơn cho biết nhiều ngành đã tạo đáy về lợi nhuận và dần có sự hồi phục.
Dữ liệu từ Fiingroup, tổng lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường dù giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tốc độ giảm đã thu hẹp đáng kể. Quý 4 năm ngoái giảm 33% so với cùng kỳ.
Nhìn vào một doanh nghiệp, ông Sơn nói cần đánh giá khả năng hồi phục, triển vọng tương lai.
Dự báo về dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường chứng khoán, ông Sơn có cái nhìn tích cực khi lãi suất huy động tiếp tục giảm. "Lãi suất tiền gửi hạ, kỳ hạn ngắn của một số ngân hàng về dưới 3%, người dân có thể sẽ tìm kênh hấp dẫn hơn để đầu tư", ông Sơn nhận định.
Tuần tới, VN-Index có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên từ nay tới cuối tháng 11, chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán vẫn sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện.