Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại Hà Nội sáng nay. Hội nghị có sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương qua hình thức trực tuyến và đại diện các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch.
Phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch là một trong những đề tài được nhiều người đề cập.
Đề án Phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hồi tháng 7. Đến năm 2025, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM được yêu cầu hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.
Ngoài mục tiêu tăng lượng du khách, tăng chi tiêu, đề án còn nhằm kéo dài thời gian lưu trú (tăng thêm ít nhất một đêm) của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Nhưng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho rằng "chúng ta đã nói nhiều về kinh tế đêm nhưng cần định vị kinh tế đêm là kinh tế ban ngày có tính đặc thù".
Theo ông, hiện nay các địa phương còn khó khăn lúng túng khi triển khai, đa phần làm phố đi bộ, ăn uống, chưa tận dụng hết được thế mạnh về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người, đặc biệt là các tập tục của người dân. "Điều này hạn chế khả năng khai thác của chúng ta", ông Kỳ nói.
Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải chỉ đạo đổi mới tư tuy quản lý và phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân đồng hành phát triển du lịch".
Hôm nay, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng kiến nghị mở rộng danh sách các thành phố thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm và nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm bên cạnh các loại hình du lịch khác.
"Kinh tế ban đêm" - hoạt động kinh tế gắn với vui chơi giải trí, ăn uống dành cho du khách và người dân từ 18h hàng ngày đến 6h sáng hôm sau, phát triển mạnh tại nhiều nước châu Á.
Chẳng hạn, tại Trung Quốc, kinh tế đêm đã vượt 30.000 tỷ NDT và 36.000 tỷ NDT vào 2020 - 2021. Thời điểm trước dịch, hoạt động kinh tế gắn với giải trí của Bangkok cũng góp trên 1% GDP vào kinh tế Thái Lan (đạt 5 tỷ USD). Để vực dậy nền kinh tế này sau dịch, cuối 2022, Bộ trưởng Du lịch và Thể theo Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn đề xuất kéo dài thời gian mở cửa tới 4 giờ sáng cho các câu lạc bộ đêm tại Bangkok, Pattayan, Phuket, Phang-nga và Krabi.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam. Nhưng để hoàn thành mục tiêu này và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói "cần đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá và cần có thêm liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, bộ ngành".
Ông phân tích, liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả. Hiện, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", liên kết ngành giữa giao thông vận tải, y tế với du lịch chưa chặt chẽ, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược cùng phát triển. Các chuỗi dịch vụ, chiến dịch kích cầu quốc gia chưa được tạo lập.
Các sản phẩm du lịch chưa có trọng tâm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc. Công tác đánh giá, dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa rõ nét và bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch dàn trải, hạn chế.
Bên cạnh đó, ngành cũng đối diện thách thức từ xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hay xung đột địa chính trị và kinh tế tại các thị trường truyền thống tăng chậm lại.
Để du lịch Việt phục hồi, cất cánh, Thủ tướng yêu cầu tăng liên kết, phát huy vai trò dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Khánh Hòa, Cần Thơ...), cũng như hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng và sản phẩm độc đáo dựa trên tiềm năng, lợi thế riêng của Việt Nam.
"Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, với vai trò ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, ngành cũng cần thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công-tư để hình thành nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh,và tăng ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực này", lãnh đạo Chính phủ lưu ý.
Phương Dung