Sáng 16.11, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam cho hay, mưa lớn những ngày qua gây sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tuyến đường xã, huyện, tỉnh với khối lượng ước tính gần 30.000 m3.
Trong đó, tại Km 1.377+500 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TT.Khâm Đức, H.Phước Sơn) xảy ra sạt lở taluy dương, gây tắc đường hoàn toàn. Khối lượng đất đá sạt lở vùi lấp mặt đường ước tính khoảng 15.000 m3.
Trên tuyến QL40B đoạn qua xã Trà Tân (H.Bắc Trà My), mưa lớn gây sạt lở tại Km 66+700 vào chiều 15.11 khiến các phương tiện đi lại khó khăn.
Ngoài ra, QL14H bị tắc đường do nước ngập sâu tại đoạn cầu Duy Phước (H.Duy Xuyên), khiến giao thông đi lại khó khăn.
Đáng chú ý, bờ sông Vu Gia bị sạt lở tại đoạn qua xã Đại Cường (H.Đại Lộc) với chiều dài khoảng gần 100 m, chiều sâu từ 4 - 5 m. UBND H.Đại Lộc đã kiểm tra và đưa ra phương án khắc phục tạm thời bằng cách đóng cọc, chèn bao cát theo taluy để tạm thời hạn chế sạt lở.
Để ứng phó với tình hình mưa lớn tiếp diễn, hôm qua 15.11, H.Bắc Trà My đã tuyên truyền, vận động sơ tán 1.100 hộ dân (với hơn 3.700 khẩu) ở khu vực nguy cơ cao và rất cao về sạt lở đất.
H.Đại Lộc đã sơ tán 3 hộ dân (8 nhân khẩu) có nhà bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở đất tại TT.Ái Nghĩa và có kế hoạch sơ tán 11 hộ dân còn lại trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Huyện vùng cao Nam Giang sơ tán 2 hộ dân (8 nhân khẩu) trong vùng nguy cơ sạt lở tại xã Đắc Tôi và xã Zuôih.
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến 7 ngôi nhà tại H.Nam Giang bị sạt lở; 5 con bò, một số dê, heo của người dân bị chết do mưa lạnh và lũ cuốn trôi. H.Bắc Trà My ghi nhận có 3 căn nhà của người dân bị sạt lở. Tại H.Núi Thành, lốc xoáy làm tốc mái 1 nhà dân.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam nhận định, từ nay đến ngày 18.11, các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện đợt lũ.
Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 3 - 5 m, hạ lưu đạt từ 1 - 2 m. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 1 đến báo động 2; trên sông Thu Bồn ở mức báo động 1 đến dưới báo động 2; trên sông Tam Kỳ dao động ở mức báo động 1.
Ngoài ra, mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực đã gần bão hòa (hơn 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phước Sơn, Tây Giang, Tiên Phước.
Không để hộ dân nào bị thiếu lương thực
Sáng 16.11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành công điện yêu cầu tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, thời tiết nguy hiểm trên biển; tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngoài ra, khẩn trương rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất; không để người dân sơ tán quay trở về nhà khi chưa đảm bảo an toàn. Đồng thời, hỗ trợ chỗ ở, lương thực đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ dân có nhà cửa bị thiệt hại, các hộ dân phải sơ tán khẩn cấp, không để hộ dân nào bị thiếu lương thực...