Ngày 16-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết chuẩn bị khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, sẽ kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi được đầu tư hoàn chỉnh, dự án này sẽ có quy mô cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tuy nhiên, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư, trước mắt sẽ làm đường quy mô 2 làn xe, trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa dài 72,75 km, đi qua địa bàn ba tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Dự án có có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối tại nút giao với quốc lộ N2 (nay là đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Dự án giao cắt, kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng khác như: đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 4 TP.HCM…
Trong phạm vi dự án, sẽ xây dựng 14 cây cầu, trong đó có cầu Thanh An bắc ngang sông Sài Gòn, nối Bình Dương - Tây Ninh. Đó là chưa kể cầu vượt và nút giao giữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 22 đã được xây dựng xong nhiều năm trước, hiện cầu đang "nằm chờ" đường.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 2.292 tỉ đồng bằng vốn ngân sách. Dự án được khởi công trong quý IV năm 2023, hoàn thành vào năm 2025.
Hơn 10 năm lận đận của cao tốc nối miền Đông và miền Tây
Theo phê duyệt dự án của Bộ Giao thông vận tải, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được đầu tư sẽ góp phần "khép kín" đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, sẽ từng bước để mở rộng đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc, góp phần chia sẻ lưu lượng giao thông, kết nối vùng để phát triển kinh tế, xã hội.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được khởi động sau nhiều năm góp phần hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư. Dự án được khởi công từ năm 2009 bằng vốn nhà nước, nhưng đến năm 2011 phải tạm dừng do kinh tế khó khăn trong khi nhiều hạng mục dang dở.
Tới năm 2016, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh dự án với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng. Tới năm 2018, sau khi có chủ trương làm cao tốc quy mô 4 làn xe theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), tổng mức đầu tư tăng vọt lên khoảng 7.000 tỉ đồng, dẫn đến không khả thi về mặt tài chính.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa "nằm chờ" từ đó dù đã giải phóng xong phần lớn mặt bằng. Tới nay dự án được điều chỉnh và khởi động lại bằng vốn ngân sách.
TTO - Sau 10 năm khởi công, dự án đường Hồ Chí Minh nối các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ với miền Tây vẫn dở dang. Hàng trăm tỉ đồng thi công cầu vượt, cốt nền... tới nay lại phải chờ vì dự án bị tạm dừng.