Chín năm sau khi máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines biến mất, gia đình của những hành khách có mặt trên chuyến bay vẫn không từ bỏ hy vọng tìm thấy người thân của mình khi kêu gọi chính phủ Malaysia cho phép các công ty tư nhân thực hiện chiến dịch tìm kiếm mới.
Số phận của máy bay MH370 đã trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới khi nó biến mất không để lại bất cứ dấu vết nào trên hành trình bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014.
Biến mất giữa đại dương
0h41 sáng 8/3/2014, chuyến bay MH370 cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur như thường lệ trên chặng bay đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau 39 phút kể từ khi cất cánh, tổ lái MH370 đột ngột không còn liên lạc với trạm kiểm soát không lưu, rồi biến mất khỏi màn hình radar vào lúc 1h22 sáng cùng ngày.
Dữ liệu về chuyến bay cho thấy, MH370 nhanh chóng đạt độ cao gần 10.700m chỉ định cho hành trình bay sau khi cất cánh. Người lái chính lúc đó là cơ phó Fariq Hamid, 27 tuổi. Đây là chuyến bay huấn luyện cuối cùng, dự kiến sẽ giúp anh sớm được chứng nhận nghề đầy đủ.
Thầy huấn luyện của Fariq - cũng chính là cơ trưởng của chuyến bay - Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, một trong những cơ trưởng cấp cao nhất tại Malaysia Airlines.
Tại buồng lái đêm đó, trong khi cơ phó Fariq lái máy bay, cơ trưởng Zaharie quản lý bộ đàm. Sắp xếp này đúng tiêu chuẩn nhưng cách truyền tin của ông Zaharie có phần khác thường. Lúc 1h01, ông báo đàm rằng máy bay đang chững lại ở độ cao gần 10.700 mét, một báo cáo không cần thiết trong không phận có radar giám sát, nơi các phi công thường chỉ thông báo rời một độ cao, chứ không phải đạt đến độ cao nào đó.
Lúc 1h08, máy bay vượt qua bờ biển Malaysia và bay qua Biển Đông, tiến vào không phận Việt Nam. Ông Zaharie một lần nữa báo cáo độ cao máy bay là gần 10.700 mét. 11 phút sau, khi máy bay tiến gần tới điểm bắt đầu khu vực tài phán không lưu của Việt Nam, kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm Kuala Lumpur thông báo qua bộ đàm:
"Malaysia 370, liên lạc với TP.HCM 120,9. Chúc buổi tối tốt lành" . Cơ trưởng Zararie đáp lời: "Chúc buổi tối tốt lành. Malaysia 370".
Cơ trưởng Zararie không đọc lại tần số như ông đáng lẽ phải làm. Đây là lần cuối cùng tổ lái MH370 liên lạc với mặt đất.
Tổ bay chưa liên lạc trạm không lưu TP.HCM
Phi hành đoàn MH370 sau đó đã không đăng ký đến với trạm kiểm soát không lưu TP.HCM và cũng không hồi đáp bất kỳ nỗ lực nào gọi họ sau đó.
5 giây sau khi MH370 bay vào không phận Việt Nam, biểu tượng đại diện cho bộ tiếp sóng của máy bay không còn xuất hiện trên các màn hình radar của cơ quan kiểm soát không lưu Malaysia. Và 37 giây sau, toàn bộ máy bay biến mất khỏi radar. Đó là lúc 1h21 ngày 8/3, tức là 39 phút sau khi máy bay cất cánh.
Kiểm soát viên không lưu ở Kuala Lumpur đang bận xử lý các chuyến bay khác trên màn hình nên đơn giản không chú ý. Khi nhận ra sự khác lạ, nhân viên trực ban hôm đó cho rằng chiếc máy bay nằm trong tầm kiểm soát của trạm không lưu thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, các kiểm soát viên không lưu Việt Nam đã nhìn thấy MH370 bay vào không phận và sau đó biến mất khỏi radar một phút 17 giây trước khi máy bay tiến vào điểm IGARI (chuyển giao quyền điều hành). Trong suốt quá trình này tổ bay MH370 chưa từng liên lạc với trạm không lưu TP.HCM.
Dù vậy trạm không lưu TP.HCM vẫn cố gắng liên lạc với máy bay nhiều lần nhưng không thu được kết quả. Các kiểm soát viên không lưu Việt Nam đã gọi điện thông báo sự cố cho phía Kuala Lumpur khi việc kết nối với MH370 không thành công.
Trong phản hồi của Cục Hàng không Việt Nam đối với thông báo từ phía Malaysia rằng Việt Nam chậm trễ trong việc thông báo máy bay MH370 mất tích, cục Hàng không Việt Nam khẳng định không có bằng chứng cho thấy MH370 đã vượt qua điểm chuyển giao IGARI vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
Thời điểm MH370 biến mất khỏi màn hình radar nó vẫn đang ở trong vùng thông báo bay của Singapore (phần vùng trời này được Singapore ủy quyền cho Malaysia điều hành).
Cục hàng không Việt Nam khẳng định, MH370 chưa thiết lập liên lạc với trạm không lưu Hồ Chí Minh. Do vậy, việc chuyển giao kiểm soát chưa được hoàn tất. Phía Việt Nam chưa thực hiện điều hành, kiểm soát với máy bay này.
Trung tâm điều phối cứu hộ hàng không vũ trụ của Malaysia đáng lẽ nên được báo cáo vụ việc trong vòng một giờ máy bay mất tích. Song đến 2h30, điều đó vẫn chưa được thực hiện. Hơn 4 tiếng nữa trôi qua, tức vào lúc 6h32, nhà chức trách rốt cuộc mới bắt đầu phản ứng khẩn cấp. Vào thời điểm đó, máy bay đáng lẽ đã hạ cánh ở Bắc Kinh.
Từ thời khắc đó cho đến thời điểm hiện tại không còn bất kỳ thông tin nào về MH370 cũng như 239 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay này.
Nỗ lực tìm kiếm
Cơ quan kiểm soát không lưu Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines nhanh chóng rơi vào khủng hoảng trước việc MH370 mất tích. Giới chức tức tốc tìm kiếm chiếc máy bay bằng mọi cách trong khi người thân của các hành khánh ở Bắc Kinh mòn mỏi chờ đợi một chuyến bay không bao giờ đến.
Việc tìm kiếm MH370 ban đầu tập trung ở Biển Đông, giữa Malaysia và Việt Nam. Đó là một nỗ lực quốc tế quy tụ 34 tàu và 28 máy bay từ 7 quốc gia khác nhau.
Trong vòng vài ngày, các bản ghi radar chính thu thập từ các máy tính kiểm soát không lưu cũng như được chứng thực một phần nhờ dữ liệu không quân bí mật của Malaysia tiết lộ, ngay khi MH370 biến mất khỏi radar, máy bay đã ngoặt lái về phía tây nam, bay trở lại qua bán đảo Mã Lai và di chuyển vòng quanh đảo Penang. Từ đây, máy bay đi theo hướng tây bắc lên eo biển Malacca và băng qua biển Andaman tiến ra Ấn Độ Dương, nơi nó vượt qua phạm vi quan sát được của radar và đi vào vùng bị che khuất.
Khoảng thời gian đó diễn ra trong hơn một tiếng đồng hồ, ám chỉ đây không phải là một vụ không tặc điển hình. Mọi việc diễn ra cũng không giống như một vụ tai nạn hay kịch bản phi công tự sát như người ta từng gặp trước đây. Ngay từ đầu, MH370 đã dẫn các nhà điều tra đi theo những hướng chưa từng khám phá.
Bí ẩn xung quanh việc MH370 thay đổi hành trình bay là trọng tâm điều tra và cũng là nguồn gốc của những đồn đoán, giả thuyết đôi khi gây rúng động dư luận. Mất mát tàn phá các gia đình nạn nhân ở bốn châu lục. Không ai nghĩ một máy bay tiên tiến, được trang bị các công cụ hiện đại và thiết bị liên lạc dự phòng lại có thể biến mất không dấu vết.
Bất chấp sự bác bỏ của giới chức Malaysia và sự che giấu của không quân nước này, sự thật về đường di chuyển kỳ lạ của MH370 nhanh chóng phát lộ. Hóa ra, máy bay tiếp tục kết nối với một vệ tinh địa tĩnh Ấn Độ Dương do Inmarsat, một nhà cung cấp thương mại ở London vận hành, trong 6 giờ sau khi máy bay biến mất khỏi radar thứ cấp. Điều này có nghĩa, máy bay không đột nhiên phải hứng chịu một sự cố thảm khốc.
Trong 6 giờ đó, MH370 được cho vẫn di chuyển ở trên cao, với tốc độ lớn. Các kết nối Inmarsat, với một vài trong số chúng thường được gọi "các cú bắt tay", là những đốm sáng điện tử lóe lên trên màn hình radar. Đây là những kết nối thường xuyên cho thấy tiếng thì thầm liên lạc tốt nhất, vì các nội dung có chủ đích của hệ thống như hệ thống giải trí hành khách, tin nhắn văn bản trong buồng lái hay các báo cáo bảo trì tự động đã bị phân tách hoặc tắt đi.
Ở thời đại ngày nay, rất khó để xóa vĩnh viễn một bức thư điện tử và việc sống ngoài mạng lưới gần như bất khả thi ngay cả khi chúng ta cố tình làm việc đó. Thiết kế của một chiếc Boeing 777 cho phép tiếp cận điện tử mọi lúc.
Bất chấp những thiết kế để có thể xác định được vị trí máy bay, MH370 thực tế vẫn chưa được tìm thấy và sau hơn 9 năm với biết bao nỗ lực tìm kiếm. Vẫn không ai biết chính xác về số phận của chiếc máy bay chở khách này. Tuy nhiên, nhiều chi tiết về sự biến mất của MH370 dần được làm sáng tỏ và việc tái dựng những gì đã xảy ra vào đêm định mệnh có thể thực hiện được dù các nhà điều tra chưa tìm thấy hai hộp đen máy bay (gồm thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay).
Vụ mất tích đã khởi đầu cho một trong những cuộc tìm kiếm hàng không quy mô lớn nhất trong lịch sử và đã tạo ra một loạt giả thuyết về nơi nó kết thúc và những gì đã xảy ra trên máy bay.
Chiến dịch tìm kiếm MH370 kết thúc
Ngày 17/1/2017, chiến dịch tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 kết thúc sau gần ba năm, kể từ khi nó biến mất không dấu vết trên Ấn Độ Dương, khi đang chở 239 hành khách cùng 12 phi hành đoàn.
"Bất chấp mọi nỗ lực, áp dụng khoa học tiên tiến nhất hiện có, công nghệ tối tân, cũng như việc mô hình hóa, lời khuyên từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm thuộc hàng xuất sắc nhất trong lĩnh vực của họ, thật không may, cuộc tìm kiếm chưa thể xác định vị trí máy bay" , CNN dẫn thông cáo chung của các quan chức Trung Quốc, Australia và Malaysia.
Gia đình các nạn nhân cũng được thông báo cuộc tìm kiếm dưới biển trên diện tích 120.000km2 ở nam Ấn Độ Dương không thành công.
Chiến dịch tìm kiếm MH370 được xem là chiến dịch cứu hộ tốn kém nhất lịch sử, trải dài từ Ấn Độ Dương phía tây Australia đến Trung. Tuy nhiên, người ta chỉ tìm thấy một số mảnh vỡ được cho là của chiếc phi cơ này mà không thấy thi thể nạn nhân. Ngân sách cho chiến dịch này tiêu tốn đến 150 triệu USD tính vào thời điểm đó.
Ngay trong giai đoạn đầu chiến dịch tìm kiếm MH370, lực lượng cứu hộ quốc tế đã huy động 42 tàu, 39 máy bay đến từ 14 nước, gồm Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Mỹ, Thái Lan, Australia, New Zealand, Philippines, Ấn Độ, Pháp, Đài Loan và Nhật Bản.
Chiến dịch tìm kiếm ở Biển Đông kết thúc vào ngày 15/3 khi giới chức Malaysia xác định MH370 đã chuyển hướng bay lên vùng biển Ấn Độ Dương.
Trong chiến dịch tìm kiếm MH370 kéo dài 8 ngày trên Biển Đông và vùng biển lân cận, Việt Nam đã sử dụng lực lượng tìm kiếm có quy mô kỷ lục nhằm xác định chiếc máy bay xấu số bằng lực lượng tinh nhuệ thuộc Không quân Nhân dân Việt Nam, Hải quân Nhân dân Việt Nam và Cảnh sát Biển Việt Nam.
Là nước tổ chức tìm kiếm sớm nhất, Việt Nam đã sử dụng 11 máy bay, 10 tàu các loại như thủy phi cơ DHC6, trực thăng tìm kiếm cứu nạn Mi-171, máy bay vận tải AN-26, máy bay tuần tra biển CASA, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu SAR 413, SAR 272, SAR 413. Đặc biệt, có sự tham gia của tàu nghiên cứu biển 888 (mang tên Giáo sư Trần Đại Nghĩa) - tàu thăm dò 3D màu hiện đại nhất Đông Nam Á.
Theo Bộ Quốc phòng, trong chiến dịch tìm kiếm MH370 trên Biển Đông, lực lượng cứu hộ Việt Nam đã thực hiện 55 chuyến tìm kiếm trên không, còn nhóm tàu mặt nước tìm kiếm trên vùng biển có diện tích hơn 100.000km2.
Ở giai đoạn tìm kiếm tiếp theo do Cơ quan an toàn hàng hải Australia (AMSA) nhận trách nhiệm điều phối hoạt động ở phía nam Ấn Độ Dương. Cuộc tìm kiếm ban đầu có sự tham gia của 22 máy bay quân sự và 19 tàu chiến từ 8 quốc gia, tiến hành trên diện tích 4,6 triệu km2. Máy bay dân sự cũng được AMSA thuê để tìm kiếm.
Xem thêm: nhc.565825341611132881-iad-neih-gnohk-gnah-us-hcil-tahn-na-ib-hcit-tam-uv-073hm-yab-neyuhc/nv.fefac