Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TPHCM - cho biết: 42 sản phẩm du lịch đặc trưng ở các quận, huyện và TP Thủ Đức đã ra mắt. Các quận, huyện có thể tập trung vào các nhóm du lịch đường thủy, ẩm thực, sản phẩm ban đêm, du lịch cộng đồng trong đô thị và sản phẩm du lịch nông nghiệp. Để sản phẩm thực sự hấp dẫn, phòng đề xuất tiếp tục hoàn thiện và nâng chất sản phẩm, điểm đến; đẩy mạnh truyền thông sản phẩm, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch…
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, đại diện Bảo tàng Fito (quận 10) cho biết: ngay sau khi bảo tàng được giới thiệu là điểm đến trong tour du lịch đặc trưng của quận 10, lượng khách đến bảo tàng trong quý III vừa qua đã tăng 15%. Trước đó, khách nước ngoài tham quan bảo tàng chiếm 98%, khách nội địa chiếm 2%. Sau khi bảo tàng được đưa vào tour quận, huyện, tỉ lệ khách nội địa tăng lên 12%.
Đoàn 200 du khách quốc tế trải nghiệm tour Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày 9/11 |
Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM thì nhận xét các sản phẩm du lịch đặc trưng của quận, huyện vẫn còn dàn trải, rời rạc. Ngành du lịch TPHCM cần tiếp tục sàng lọc, đầu tư nâng chất lượng sản phẩm cao hơn để có thể hấp dẫn, thu hút du khách.
Bà Phan Yến Ly - chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch TPHCM - nhận xét có những điểm đến, sản phẩm… được chú trọng khai thác và bắt đầu có kết quả tốt. Nhưng cũng có những địa điểm dù tạo được sự chú ý ban đầu của du khách nhưng chưa thực sự sẵn sàng phục vụ như địa đạo Phú Thọ Hòa, Bảo tàng sâm Ngọc Linh (quận Tân Phú)… Điều này do các quận, huyện chưa có cơ chế khuyến khích về quyền lợi để các doanh nghiệp tập trung đưa khách đến. Bởi để quảng bá, giới thiệu một sản phẩm mới, doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí. Đồng thời, đây là những sản phẩm mới, cần thời gian khoảng 2 năm quảng bá mới có thể thu hút khách thực sự. Chẳng hạn tour “Biệt động Sài Gòn” được giới thiệu, quảng bá từ năm 2019, đến năm 2022 mới có lượng khách ổn định.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia du lịch cùng có chung ý kiến là các điểm đến cần được đầu tư để hoàn thiện chất lượng - dịch vụ. Đồng thời, sản phẩm của các quận, huyện phải được kết nối theo chủ đề tour/tuyến, thay vì rời rạc như hiện tại.
Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch - cho rằng: để nâng chất các sản phẩm du lịch quận, huyện, thành phố nên quy hoạch sản phẩm theo cụm. Ví dụ, cụm Nhà Bè - Cần Giờ. Ở đó, các không gian điểm đến phải được hình thành liên tuyến mới kéo dài được thời gian trải nghiệm của du khách. Đồng thời, các cụm phải liên kết, xâu chuỗi nhau trong một câu chuyện mạch lạc và hợp lý, từ đó sẽ gia tăng cảm xúc của du khách. Ngoài ra, cần chú trọng đầu tư nhiều vào khâu hướng dẫn viên du lịch và hướng dẫn viên tại điểm đến. Đây là yếu tố đang thiếu, yếu tại các quận, huyện.
“Ngành du lịch TPHCM cũng cần tập hợp các sản phẩm đặc trưng để phân khúc, phân hạng phù hợp với từng đối tượng khách, thị trường. Từ đó, ra mắt cẩm nang du lịch chung để doanh nghiệp lữ hành lựa chọn, chào bán sản phẩm” - tiến sĩ Dương Đức Minh nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay: Sở Du lịch đã tổng hợp, thống kê tài nguyên du lịch trên địa bàn và phối hợp cùng các quận, huyện khảo sát, xây dựng sản phẩm đặc trưng. Do đó, các quận, huyện cần hoàn thiện sản phẩm được chọn, đầu tư và nâng chất. Các doanh nghiệp cùng chung tay quảng bá, giới thiệu để những sản phẩm này lan tỏa tới du khách. Trong năm nay, Sở Du lịch sẽ ra mắt cẩm nang sản phẩm đặc trưng của TPHCM.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.2855051a-neyuh-nauq-hcil-ud-mahp-nas-tahc-gnan-ed-ig-mal-mchpt/nv.moc.enilnounuhp.www