Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dịch vụ xe đạp công cộng đã tạo thêm sự lựa chọn về loại hình giao thông cho người dân và du khách tham quan, tăng tính kết nối mạng lưới giao thông công cộng khác (buýt, đường sắt đô thị, buýt đường sông...) ở trung tâm TP.
Từ lúc bắt đầu thí điểm ngày 16-12-2021 đến 31-10-2023, dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM đã có gần 300.000 người đăng ký, tổng lượt đi hơn 475.805 chuyến (706 chuyến/ngày).
Việc thí điểm được đánh giá phù hợp với đề án tăng tính vận tải hành khách công cộng với kiểm soát sử dụng xe cộ cá nhân ở TP.HCM.
Đồng thời dịch vụ xe đạp công cộng cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ và TP.HCM trong việc phát triển giao thông xanh, giảm phát thải.
Về lâu dài, xe đạp công cộng sẽ hoạt động theo hướng xã hội hóa, phù hợp với quy định, mức phí liên quan đến thuê vỉa hè đã được TP ban hành. Từ đó, khuyến khích người dân đi xe đạp nhiều hơn như giải pháp giao thông xanh.
Sở Giao thông vận tải cho biết thêm ngoài 43 trạm xe đạp đã làm trước đây, vừa qua UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương xem xét, mở rộng nơi hoạt động của dịch vụ này.
Dự kiến sẽ mở thêm 16 trạm xe mới ở quận 1 và 11 trạm mới ở quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp để phục vụ tốt nhu cầu đi xe đạp của người dân, tăng tính kết nối với xe buýt và tuyến đường sắt đô thị số 1 dự kiến vận hành năm 2024.
Gìn giữ xe đạp công cộng
Theo Công ty cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam (chủ đầu tư dịch vụ xe đạp công cộng), việc vệ sinh, bảo dưỡng xe được chăm chút kỹ, xe được giữ gìn sạch sẽ, không hỏng hóc để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách.
Về khó khăn, thời gian qua đơn vị vận hành xe đạp gặp một số trường hợp khách trả xe không đúng trạm, vứt xe dọc đường. Ngoài ra, một số trường hợp làm hỏng hóc xe, dán bậy trên xe, chở thêm người, ngồi trên giỏ xe. Đơn vị cũng bắt gặp một số sự cố như xe khách quên khóa nên bị trộm lấy đi và bán tại cửa hàng xe đạp. Công ty đã truy vết và tìm lại được.
TP.HCM dự kiến bố trí thêm 7 khu vực đặt xe đạp công cộng tại công trường Quách Thị Trang và đường Lê Lợi, quận 1.