Đó là quan điểm của Bộ Công Thương khi gửi Thủ tướng Chính phủ về quy định thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế được đưa ra trong dự thảo sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, đề xuất lộ trình triển khai hóa đơn điện tử với cửa hàng bán lẻ xăng dầu được bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra trong quá trình sửa đổi nghị định.
Trên cơ sở chỉ đạo của Phó thủ tướng, dự thảo được bộ xây dựng đã bổ sung quy định hóa đơn điện tử là điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh với cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn
Đồng thời dự thảo cũng đưa ra lộ trình thực hiện về hóa đơn điện tử. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại vùng đồng bằng, đô thị, thời gian áp dụng sau 1 năm; cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở vùng miền núi sẽ thực hiện sau 2 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành.
Trên thực tế, quy định về hóa đơn, chứng từ đã được đưa ra tại Luật Quản lý thuế và nghị định 123 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2022.
Tuy nhiên chưa có lĩnh vực kinh doanh nào được yêu cầu phải thực hiện hóa đơn điện tử, cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử như là một trong những điều kiện kinh doanh.
Vì vậy khi đánh giá tác động, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Khảo sát thực tế hiện mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng hóa đơn điện tử với hơn 2.700 cây xăng.
Kể cả doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hay Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) vẫn trong quá trình nghiên cứu giải pháp kỹ thuật.
Còn lại các doanh nghiệp khác chưa áp dụng do các chi phí đầu tư có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và thời gian thực hiện phải mất từ 1 đến 3 năm.
Trong khi đó thống kê nhanh của 35/63 sở công thương các tỉnh, thành trên cả nước, số cửa hàng bán lẻ xăng dầu của các địa phương này là gần 10.000 cửa hàng.
Số cây xăng có giấy chứng nhận đủ điều kiện nhưng sắp hết hiệu lực thi hành và phải xin cấp lại trong vòng một năm tới là 1.894 cửa hàng (chiếm gần 20%).
Như vậy trong quý 1-2024 có 752 cửa hàng ở 35 tỉnh thành (ước tính cả nước là 1.500 cửa hàng) phải thực hiện ngay nếu đưa quy định hóa đơn điện tử là một trong những điều kiện với cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi cấp lại.
Do đó theo Bộ Công Thương, việc này có thể dẫn tới số lượng lớn cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải ngưng hoạt động, gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Phải đáp ứng yêu cầu về hóa đơn điện tử
Bộ Công Thương cho biết đã bỏ nội dung quy định về lộ trình thực hiện hóa đơn điện tử. Tuy nhiên bộ này vẫn kiến nghị Chính phủ xem xét quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế là một trong những nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải tuân thủ khi kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo mới nhất được sửa đổi sẽ theo hướng yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế.
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, yêu cầu với trường hợp cấp mới giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện sẽ phải thực hiện nghiêm và tuân thủ ngay quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn.
Với cây xăng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, đang hoạt động và đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhưng hết hiệu lực và xin cấp lại, tiếp tục yêu cầu phải đáp ứng quy định về hóa đơn điện tử.
Sau thời gian tối đa 1 năm phải tuân thủ nghiêm như với trường hợp cấp mới.
Hàng chục nghìn cửa hàng xăng dầu bán lẻ sẽ phải áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nhằm ngăn chặn hàng giả, trốn thuế. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi đổ xăng.