Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 ước tính hơn 329.000 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong đó, gần 80% là trái phiếu thuộc doanh nghiệp bất động sản.
Liên quan đến chính sách, đại diện Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn tiếp tục thực hiện điều 3, Nghị định 08. Cụ thể, không yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm; không quy định nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thay vì hết hiệu lực vào tháng 12 này, hiệp hội kiến nghị tiếp tục thực hiện các quy định đến cuối năm 2024 để giảm áp lực cho doanh nghiệp.
"Nghị định 08 đã giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu được và nhà đầu tư mua trái phiếu riêng lẻ là nhà đầu tư cá nhân thực hiện được những kết quả rất phấn khởi trong 10 tháng đầu năm 2023. Do đó chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét gia hạn thực hiện điều 3, Nghị định 08 của Chính phủ thêm 12 tháng", ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, đề xuất.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 ước tính hơn 329.000 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Bên cạnh kiến nghị chính sách, thời gian qua nhiều giải pháp cũng được các doanh nghiệp đưa ra như: chủ động đeo bám việc tháo gỡ pháp lý để sớm đưa dự án vào khai thác sản phẩm; thanh lý, bán tài sản để đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư; chủ động đa dạng hóa nguồn vốn thông qua các hoạt động hợp tác, M&A để giảm thiểu đòn bẩy tài chính.
"Phải nhanh chóng tái cơ cấu các danh mục đầu tư, danh mục các dự án, danh mục các tài sản, tạo thanh khoản đó để có dòng tiền. Riêng với lĩnh vực bất động sản phải đẩy nhanh pháp lý các dự án, khi các dự án được khơi thông về mặt pháp lý thì sẽ đẩy nhanh các việc khác phục vụ trở lại cho việc trả nợ", ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, nhận định.
Về lâu dài, để tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư, nhiều chuyên gia kiến nghị các doanh nghiệp nên tiếp tục chủ động thực hiện các việc như xếp hạng tín nhiệm để tạo giá trị cho thương hiệu, tăng độ tin cậy và minh bạch của trái phiếu. Đơn cử như ở một số nước lân cận như Malaysia, tỷ lệ trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm đã đạt trên 54%.
"Khẳng định lại mình có một sức khỏe công khai minh bạch và thông tin đến nhà đầu tư một cách chính thống, rõ ràng nhưng phần lớn các doanh nghiệp hiện nay không thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó các tổ chức xếp hạng như chúng tôi, với nguồn tài trợ của ADB, chúng tôi cũng đã có chính sách làm 0 đồng, hoặc là giảm tối đa cho doanh nghiệp để họ có thể vượt qua khó khăn", ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT SaigonRatings, cho biết.
Theo thông tin từ một số công ty xếp hạng tín nhiệm, thời gian gần đây, số doanh nghiệp nộp hồ sơ xếp hạng tín nhiệm có xu hướng tăng trở lại. Tín hiệu được đánh giá là tích cực, bởi xếp hạng trước hết phải là nhu cầu của chính các doanh nghiệp.
VTV.vn - Nhà đầu tư cần phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng và đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.24170750171113202-4202-man-nah-oad-ueihp-iart-cul-pa-maig-puig-pahp-iaig-ueihn/et-hnik/nv.vtv