Sáng 17-11, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản 2023 cho 50 nhà giáo tiêu biểu. Đây là những giáo viên và cán bộ quản lý hội đủ 2 yếu tố: tài và đức, có ảnh hưởng tích cực đến công tác dạy và học tại đơn vị mình và ở các cấp cao hơn.
Trong số đó có cô Trần Bé Hồng Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1. Ở ngôi trường đang thực hiện mô hình tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế này, cô Hạnh không chỉ là "đầu tàu" năng động và tháo vát. Cô còn liên tục tìm cách phát huy sức mạnh tập thể, không ngừng đổi mới với rất nhiều hoạt động nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh.
Cô Hạnh tâm sự: "Ba tôi từng là một nhà giáo nhưng do biến cố gia đình nên không theo được nghề. Tôi đã thay ba viết tiếp ước mơ dang dở. Đó cũng là lý do khiến tôi tự dặn lòng phải sống trọn vẹn với nghề, phải làm tất cả vì học sinh".
Thầy Lê Tấn Lộc - giáo viên Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5 - cũng là một trong 50 nhà giáo được vinh danh hôm nay.
Thầy Lộc không chỉ đàn hay, hát giỏi mà còn biết chơi nhiều môn thể thao, biết viết thư pháp... Mục tiêu đi dạy của thầy là "để được chơi với học trò. Khi các em thấy mình gần gũi, thầy và trò có chung sở thích thì các em sẽ dễ mở lòng, có vui, buồn gì cũng vào lớp kể với thầy" - thầy Lộc chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, đến nay thầy Lộc đã có 31 năm gắn bó với Trường tiểu học Minh Đạo. Thầy Lộc là một nhà giáo tiêu biểu cho tinh thần học tập suốt đời, hiện ở tuổi 50 thầy vẫn quyết định làm nghiên cứu sinh với mong muốn truyền cảm hứng học tập cho học sinh.
Phát biểu tại buổi lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản 2023, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết: "Ngày 20-11 hằng năm là ngày tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp "trồng người".
Sự tôn vinh ấy thể hiện ở niềm tin của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội đối với các thầy cô giáo. Niềm tin ấy đòi hỏi mỗi thầy cô giáo không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Dẫu đâu đó ngoài kia còn một vài câu chuyện làm nhói lòng những nhà giáo chân chính, nhưng không làm nhòe đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy. Bởi giá trị ấy đã được hình thành từ truyền thống cao đẹp của dân tộc" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Mong các nhà giáo lan tỏa tinh thần ham học hỏi
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM, chúc mừng và biểu dương 50 thầy cô giáo được vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Đồng thời, bà cũng gởi lời chúc mừng toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục thành phố.
"Lãnh đạo thành phố mong các thầy cô giáo tiếp tục cháy hết mình với ngọn lửa đam mê, cống hiến cho nghề. Thầy cô giáo hãy là những tấm gương sáng, lan tỏa lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi…
Lãnh đạo thành phố cũng mong các thầy cô không ngừng đổi mới, sáng tạo trên bục giảng, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau tiếp bước", bà Nguyễn Thị Lệ nhắn nhủ.
Được biết, Giải thưởng Võ Trường Toản là một giải thưởng cao quý dành cho các nhà giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Giải thưởng do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện từ nhiều năm nay.
Nhà giáo được dư luận quàng vào chiếc áo "nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý" nên mặc định người thầy phải thanh cao và sống thanh đạm.