Đầu tháng 11 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố danh sách 41 loại rau và trái cây giàu dinh dưỡng nhất thế giới. Đáng nói, trong số đó, có 1 loại rau rất phổ biến ở Việt Nam được xếp ở đầu bảng với điểm số tuyệt đối 100/100. Cụ thể:
Top 5 bảng xếp hạng của CDC Mỹ gồm:
Hạng 1: Rau cải xoong 100 điểm
Hạng 2: Cải thảo 91,99 điểm
Hạng 3: Cải cầu vồng 89,27 điểm
Hạng 4: Củ dền 87,08 điểm
Hạng 5: Rau bó xôi 86,43 điểm.
Vậy vì sao rau cải xoong lại đạt được số điểm tuyệt đối như vậy?
Thành phần dinh dưỡng trong rau cải xoong
Cải xoong còn gọi là đậu ban thái, thủy điều thái, tây dương thái. Là cây thảo, có thân bò, phân nhiều nhánh, đâm rễ ở các đốt. Lá mọc so le, kép lông chim. Hoa nhỏ màu trắng, hợp thành chùm ở các đầu cành. Quả hình trụ chứa nhiều hạt màu đỏ.
Ở Việt Nam, rau cải xoong thường phát triển mạnh vào mùa đông, có mùi thơm hăng đặc trưng, vị hơi đắng và cay. Hai chất dinh dưỡng nổi bật nhất trong cải xoong là vitamin C và vitamin K. Lượng vitamin C trong loại rau này thậm chí nhiều hơn cả cam và chanh.
Cải xoong có lượng calo thấp nhưng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Một cốc (34 gram) rau cải xoong có chứa:
Calo: 4
Carbs: 0,4 gram
Protein: 0,8 gram
Chất béo: 0 gram
Chất xơ: 0,2 gram
Vitamin A: 22% nhu cầu tiêu thụ hàng ngày (RDI)
Vitamin C: 24% RDI
Vitamin K: 106% RDI
Canxi: 4% RDI
Mangan: 4% RDI.
Như vậy, chỉ 1 cốc rau cải xoong đã cung cấp hơn 100% nhu cầu vitamin K hàng ngày. Đây một loại vitamin tan trong chất béo, cần thiết cho quá trình đông máu và giúp xương khỏe mạnh. Ngoài ra, cải xoong cũng chứa một lượng nhỏ vitamin E, thiamine, riboflavin, vitamin B6, folate, axit pantothenic, magie, phốt pho, kali, natri và đồng.
Công dụng của rau cải xoong
Theo healthline, cải xoong từng được coi là cỏ dại nhưng thực tế lại có giá trị dinh dưỡng đáng kể. Sau đây là các lợi ích sức khỏe ấn tượng của cải xoong.
Cải xoong giúp chống oxy hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Các hợp chất thực vật chống oxy hóa được tìm thấy nhiều trong cải xoong, có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do các gốc tự do - các phân tử có hại, dẫn đến stress oxy hóa. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa - như rau cải xoong, có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm tiểu đường, ung thư và tim mạch.
Cải xoong giúp ngăn ngừa ung thư
Cải xoong và các loại rau họ cải có chứa glucosinolates, kích hoạt thành các hợp chất isothiocyanates khi chúng ta nhai hoặc cắt bằng dao. Isothiocyanate - bao gồm các hóa chất như sulforaphane và phenethyl isothiocyanate (PEITC), chống ung thư bằng cách:
- Bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi bị hư hại
- Làm bất hoạt hóa chất gây ung thư
- Ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các khối u.
"Isothiocyanates" tìm thấy trong rau cải xoong đã được chứng minh có khả năng ngăn ngừa ung thư ruột kết, phổi, tuyến tiền liệt và da. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chứng minh rằng isothiocyanates và sulforaphane có trong cải xoong giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư vú.
Cải xoong có lợi cho sức khỏe tim mạch
Theo nghiên cứu theo dõi hơn 500.000 cá nhân, ăn rau họ cải giúp giảm 16% nguy cơ mắc bệnh tim.
Hàm lượng carotenoids cao không chỉ chống lại sự phát triển của bệnh tim, mà còn làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Cải xoong cũng chứa nitrat, giúp tăng cường sức khỏe mạch máu bằng cách giảm viêm, cũng như giảm độ cứng và độ dày của mạch máu.
Nhờ khả năng giúp giảm cholesterol, rau cải xoong có thể cải thiện sức khỏe của tim. Trong một nghiên cứu kéo dài 10 ngày ở những con chuột bị cholesterol cao, điều trị bằng chiết xuất cải xoong đã làm giảm 34% tổng lượng cholesterol và 53% LDL cholesterol xấu.
Cải xoong chống loãng xương
Cải xoong chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho sức khỏe của xương, bao gồm canxi, magie, kali và phốt pho. Ngoài ra, trong cải xoong còn chứa vitamin K và kali. Đây là thành phần của Osteocalcin - một loại protein tạo nên mô xương khỏe mạnh, đồng thời điều chỉnh sự biến đổi của xương.
Cải xoong tăng cường miễn dịch
Mỗi cốc 34gram cải xoong chứa 15 mg vitamin C, chiếm 20% nhu cầu hàng ngày cho phụ nữ và 17% cho nam giới.
Vitamin C có lợi cho sức khỏe miễn dịch, thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng để tăng cường sức đề kháng. Thiếu vitamin C có liên quan đến giảm chức năng miễn dịch và tăng viêm.
Ngoài ra, cải xoong chứa lutein và zeaxanthin - những hợp chất chống oxy hóa thuộc họ caroten. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lutein và zeaxanthin rất cần thiết cho sức khỏe của mắt. Đặc biệt, dưỡng chất này bảo vệ mắt khỏi bị hư hại do ánh sáng xanh. Hơn nữa, lutein và zeaxanthin, cũng như vitamin C có trong rau cải xoong còn làm giảm nguy cơ phát triển thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể do tuổi tác.
Cải xoong giúp giảm cân
Cải xoong có thể ích lợi trong kiểm soát cân nặng. Cải xoong là một loại rau chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, nhưng lại cực ít calo. Nếu bạn đang cố gắng giảm cân, nên thử bổ sung loại rau chứa ít calo này vào chế độ ăn giảm cân của mình.
Các bài thuốc từ rau cải xoong
Theo Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, cải xoong tính hàn, vị hơi đắng và hắc có tác dụng lợi tiểu, giúp tiêu hóa tốt, giải độc…dùng chữa bí tiểu, tàn nhang, hỗ trợ điều trị ho lao, đái tháo đường, giúp phòng bệnh bướu cổ.
Cải xoong chữa bí tiểu
Cải xoong tươi 45g, 20g củ hành tây, 15g củ cải trắng. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, sấy khô sắc với 1 lít nước còn 300ml, chia uống 2 lần trong ngày. Dùng trong 7 ngày.
Hoặc lấy rau cải xoong rửa sạch, để ráo, nhúng qua nước sôi trộn với dầu vừng (dầu mè) và dấm ăn trong ngày. Thực hiện liên tục trong 5 ngày.
Cải xoong chữa tàn nhang
20g cải xoong tươi, 1 thìa cà phê mật ong. Cải xoong rửa sạch, để ráo, giã nhỏ trộn với mật ong, tất cả cho vào miếng vải mềm, sạch.
Ngày bôi chỗ tàn nhang 2 lần vào buổi sáng và chiều rồi để khô và lau sạch. Dùng đến khi nốt nhang mờ dần.
Cải xoong giúp thanh nhiệt
100g cải xoong tươi, rửa sạch, vò hay giã nát, đem lọc nước, pha với đường uống. Ngày thực hiện 2 lần. Bài thuốc này vừa đơn giản, giúp giải khát, chống mệt mỏi.
Hỗ trợ điều trị ho lao: 150g rau cải xoong, 100g phổi lợn đem nấu canh ăn vào buổi sáng. Buổi chiều trộn một nắm rau cải xoong sống với 100g thịt bò xào tái với dấm.
Ăn liên tục trong 15 ngày. Món ăn này giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, mau lành bệnh.
Cải xoong chữa nhiệt lưỡi, chảy máu chân răng do viêm lợi
Cải xoong 200g, rửa sạch nấu với cà rốt, nấu với 400ml còn 100, uống hoặc ngậm hàng ngày. Thực hiện bài thuốc này cho đến khi không còn bị nhiệt lưỡi và chảy máu chân răng.
Cải xoong giúp phòng bệnh bướu cổ
Cải xoong 200g, cà chua 1 quả, rau mùi, kinh giới 10g, dầu ăn, gia vị, giấm.
Cách làm: Cải xoong, cà chua, rau gia vị rửa sạch, để ráo. Cà chua thái lát. Cải xoong trần qua nước sôi, rau mùi, kinh giới thái nhỏ, cà chua thái lát.
Tất cả đem trộn đều với giấm, gia vị ăn thay rau. Mỗi tuần nên ăn 3 lần. Bài thuốc này đơn giản, dễ làm nhưng giúp tăng cường iốt phòng bệnh bướu cổ hiệu quả.
Cải xoong hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Cải xoong 150g, 30g củ cải, 10g cần tây, 20g cải bắp, 15g cà rốt, 10g tía tô. Tất cả rửa sạch, giã nát hoặc ép lấy nước uống, ngày 1 cốc.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.