Xe điện Trung Quốc đang dẫn đầu tại thị trường nội địa
Báo cáo ba quý đầu năm cho thấy các thương hiệu xe điện Trung Quốc đang được ưa chuộng hàng đầu tại thị trường nước này. Điều đó đã khiến Volkswagen có doanh số bán hàng thấp nhất tại thị trường Trung Quốc kể từ năm 2012.
Theo phân tích của CNBC về 10 thương hiệu ô tô toàn cầu, gã khổng lồ ô tô Đức không đơn độc trong cuộc cạnh tranh thị phần. Cụ thể, Nissan đang trên đà có năm tồi tệ nhất trên thị trường Trung Quốc kể từ 2009, và Hyundai cũng có doanh số thấp “đáng báo động” ít nhất là tính từ thời điểm đó.
Sự lao dốc này xảy ra khi Trung Quốc nhanh chóng chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang phương tiện sử dụng năng lượng mới. Nước này đang là một thị trường phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng về cả ô tô chạy pin và ô tô hybrid. Và Tesla cùng các thương hiệu nội địa như BYD đã nắm bắt được cơ hội này.
Tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, xe sử dụng năng lượng mới đã chiếm hơn 1/3 số ô tô con mới được bán tại nước này trong năm nay. Hiệp hội ô tô Trung Quốc cũng dự đoán thị trường ô tô trong nước sẽ tăng trưởng 20% trong tháng 11/2023 so với một năm trước.
Nếu Volkswagen cho đến nay vẫn là gã khổng lồ trên thị trường ô tô của đất nước tỷ dân với khoảng 3 triệu xe bán ra mỗi năm thì thương hiệu Đức lại không thể thu hút được nhiều sự chú ý trong lĩnh vực ô tô điện. Vào tháng 7, công ty đã đầu tư khoảng 700 triệu USD vào công ty khởi nghiệp xe điện Xpeng của Trung Quốc để cùng phát triển hai mẫu ô tô cho thị trường này.
Nhưng BYD đã và đang nhanh chóng bắt kịp. CNBC cho biết, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã bán được hơn 1 triệu ô tô đầu tiên vào năm 2022 và đang hướng tới doanh số 2,5 triệu ô tô tại Trung Quốc trong năm nay.
CNBC nhận thấy Toyota, hãng xe Nhật Bản sẽ có năm “tệ nhất” về tổng doanh số bán hàng tại Trung Quốc kể từ năm 2020 với khoảng 1,8 triệu xe. Alvin Liu, nhà phân tích chuyên theo dõi và phân tích về thị trường xe năng lượng mới toàn cầu nhận định ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của thị trường.
Ông chỉ ra rằng với doanh số khoảng 2-3 triệu chiếc, BYD sẽ chiếm được một thị phần đáng kể trong thị trường xe năng lượng mới có quy mô 8,5 triệu chiếc của Trung Quốc. Khi nghĩ tới ô tô điện, các thương hiệu nước ngoài đang ít được người tiêu dùng Trung Quốc nhớ tới và ưa chuộng hơn.
Một cuộc khảo sát của Bernstein với hơn 1.500 người tiêu dùng ở Trung Quốc vào tháng 8 và tháng 9 năm nay cho thấy BYD là thương hiệu hàng đầu mà người mua xe điện Trung Quốc sẽ cân nhắc. Tiếp theo là Tesla và đến Nio.
Khi nói đến lựa chọn cho lần mua tiếp theo, nhiều người tiêu dùng được khảo sát nói rằng: “ngoại trừ Tesla, tất cả các thương hiệu nước ngoài đều kém thu hút hơn so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là các thương hiệu Nhật Bản, như Toyota, Honda, Nissan,...”
Mặt khác, cũng có nhiều người tiêu dùng đang sử dụng ô tô của các thương hiệu Đức và các thương hiệu cao cấp khác đang có vẻ hứng thú với Tesla khi họ có nhu cầu chuyển qua sử dụng ô tô điện.
Cạnh tranh gay gắt
Mặc dù thị trường năng lượng mới của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng nhưng sự cạnh tranh vẫn rất khốc liệt, ngay cả đối với các thương hiệu nội địa.
Vào tháng 7, BYD đã ra mắt mẫu Denza N7, đồng thời mở rộng phân khúc khi cho ra một chiếc SUV U8 cao cấp với mức giá hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 138.000 USD).
An Conghui, người đứng đầu thương hiệu xe điện Zeekr của Geely, nói rằng: “Nếu năm nay đã cạnh tranh thì năm sau sẽ còn cạnh tranh hơn nữa”. Ông đã phát biểu sau khi Zeekr ra mắt chiếc xe thể thao chạy điện cao cấp 001 FR nhằm cạnh tranh với Model S Plaid của Tesla nhưng với mức giá thấp hơn. Ông cũng tuyên bố không có công ty ô tô nào có thể “sao chép” 001 FR trong vòng 5 năm.
Vào tháng 10, Zeekr là công ty lập kỷ lục giao hàng hàng tháng với hơn 13.000 xe tại Trung Quốc. Họ đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ để bán xe ở châu Âu và Trung Đông trong hai năm tới.
Tham khảo CNBC