Nhà hát Kịch Việt Nam vừa giới thiệu vở kịch Bóng rối với rất nhiều dụng công nghệ thuật của cả một ê kíp sáng tạo trẻ trung, giỏi nghề ở trong và ngoài nhà hát.
Đó là Tạ Tuấn Minh làm đạo diễn từ kịch bản của nhà văn Vũ Hoàng Hoa, Lê Chí Kiên làm đạo diễn rối, đạo diễn trẻ Hà Nguyên Long học thiết kế sân khấu từ Pháp về làm thiết kế mỹ thuật, nghệ sĩ múa đương đại Duy Thành làm biên đạo, Xuân Bắc - giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - chỉ đạo nghệ thuật.
Trước khi chính thức ra mắt vào tối 16-11, ê kíp đã có một số buổi diễn cho khách mời. Không ít ý kiến khen ngợi từ báo giới, văn nghệ sĩ dành cho vở diễn rất mới mẻ từ kịch bản tới dàn dựng của đạo diễn, một vở phá vỡ quy tắc kịch truyền thống.
Sáng tạo tâm huyết của cháu nội Vũ Ngọc Phan
Bóng rối (Shadow of the puppets) được dựng từ kịch bản của một tác giả mới - nhà văn Vũ Hoàng Hoa, hiện sống ở Úc cùng gia đình.
Là tác giả mới nhưng Vũ Hoàng Hoa không xa lạ với giới văn nghệ sĩ trong nước khi đã ra mắt hai tiểu thuyết, chị là con gái nghệ sĩ Kim Thư của Nhà hát Kịch Việt Nam, cháu nội của nhà văn Vũ Ngọc Phan.
Trước khi được Nhà hát Kịch Việt Nam chọn dựng, kịch bản Bóng rối của Vũ Hoàng Hoa là 1 trong 5 kịch bản lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Patrick White 2023 dành cho kịch bản do Nhà hát Kịch Sydney (Úc) tổ chức hằng năm.
Kết quả Bóng rối đứng thứ hai. Hội đồng chuyên môn của nhà hát đánh giá cao về chất lượng kịch bản này.
Bóng rối kể về hành trình Kiên (tên ở nhà là Bi) nhận tin bố đột ngột qua đời mà không ai trong gia đình nói cho anh biết chuyện gì đã xảy ra.
Anh nhốt mình trong xưởng điêu khắc của bố, dần lội về ký ức tuổi thơ với những người thân trong gia đình.
Kiên dần dần bóc tách các lớp sự thật, lờ mờ nhận ra một sự thật trung tâm khiến anh thương tất cả xót tất cả, rằng sau vẻ một gia đình hạnh phúc, không một ai trong gia đình anh được thỏa lòng, ai cũng tự bóp nghẹt mình cho vừa những khuôn mẫu xã hội.
Cấu trúc truyện bị phá vỡ với những ký ức đồng hiện xen kẽ hiện tại - quá khứ, giữa câu chuyện của bóng rối và của người.
Hành trình bóc dần các lớp của "củ hành" sự thật khiến Kiên lẫn khán giả phải cay mắt. Như chính thông điệp được tác giả gửi gắm ngay đầu vở kịch:
Sự thật như củ hành, hết lớp này tới lớp khác, càng bóc chỉ càng cay mặt, sự thật với người này không phải sự thật của người khác, sự thật ở thời điểm này không phải sự thật ở thời điểm khác.
Vở kịch của sáng tạo tập thể
Kịch bản không dễ dựng trong bối cảnh sân khấu Việt Nam hiện nay ít có điều kiện cho các đạo diễn được thỏa sức sáng tạo với một lối sân khấu mới mẻ, cách kể chuyện tinh tế.
Đạo diễn trẻ Tạ Tuấn Minh của Nhà hát Kịch Việt Nam đã dũng cảm thử thách bản thân với kịch bản khó dựng này.
Trước đấy anh đã ghi dấu ấn nghề đạo diễn với vở đầu tay Người tốt nhà số 5 của Lưu Quang Vũ, được trao giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2020.
Không chỉ đạo diễn Tạ Tuấn Minh dũng cảm, mà Nhà hát Kịch Việt Nam trong dự án này cũng rất chịu chơi khi mời những nghệ sĩ tài năng bên ngoài nhà hát cùng góp sức cho một vở kịch khiến người xem run rẩy vì… đẹp.
Đạo diễn trẻ Hà Nguyên Long lần này trổ tài với vai trò họa sĩ thiết kế, đã tạo ra một sân khấu ấn tượng với những lớp rèm lụa tượng trưng cho những lớp sự thật, được người này kéo vào che giấu, người kia kéo ra khám phá.
Những tấm rèm lụa cũng tạo cho đạo diễn được trưng trổ những cách kể chuyện hập dẫn: có những phân cảnh chỉ lấy bóng của diễn viên phía sau lớp lụa được ánh sáng chiếu vào, lụa giúp đạo diễn kể chuyện tình đồng giới cuồng nhiệt mà tinh tế…
Những tấm rèm lụa cũng là biểu tượng cho những ranh giới mà các nhân vật không dám vượt qua để được sống là mình...
Bóng rối không chỉ ghi nhận tài năng của đạo diễn, người thiết kế… mà dàn diễn viên trẻ (có bạn sinh năm 2000, vừa về nhà hát) lẫn gạo cội đã thật sự cống hiến những phút giây thăng hoa trên sân khấu.
Trong đó bốn nhân vật chính là Kiên (La Thiên), bố Kiên (Nguyễn Vũ, sinh năm 2000), mẹ Kiên (Khuất Quỳnh Hoa), chú Cedric (Thế Nguyên) đã thật sự hóa thân vào nhân vật của mình không chỉ bằng nét diễn trên gương mặt mà còn là những trình diễn cơ thể đặc sắc dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ múa Duy Thành.
Khán giả chứng kiến Khuất Quỳnh Hoa còn xúc động lau nước mắt trên sân khấu khá lâu sau khi vở diễn đã kết thúc.
Góp vào kể câu chuyện còn có trình diễn của những con rối, tạo nên một vở kịch thật sự hấp dẫn với nhiều thứ để thưởng thức. Vở kịch sẽ chính thức được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vào ngày 20, 21, 23-11.
Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Sân khấu Hồng Vân, Nhà hát kịch Idecaf, Nhà hát kịch 5B đều có những ưu đãi khá hấp dẫn.