Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, diễn ra ngày 17-11.
Dành 75.000 tỉ đồng giảm nghèo
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, giai đoạn năm 2021 - 2025, công tác giảm nghèo khó khăn hơn, bên cạnh nghèo về thu nhập, người nghèo còn được xác định thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch...
Bên cạnh đó, chính sách cũng chuyển hướng từ "hỗ trợ hoàn toàn" sang "hỗ trợ có điều kiện". Nguồn lực tập trung nhiều hơn vào "lõi nghèo", địa bàn khó khăn, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ hộ nghèo…
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách chiếm 48.000 tỉ đồng, còn lại từ địa phương, huy động nguồn lực khác.
Qua ba năm thực hiện, theo ông Thanh, tỉ lệ giảm nghèo hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, nhiều khu vực có bước tiến, cải thiện.
"Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững", ông Thanh nêu rõ.
Nhiều người xin "hết nghèo"
Thứ trưởng Lê Văn Thanh lý giải kết quả ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhận thức người dân thực sự thay đổi. Chẳng hạn, có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn thoát nghèo, chủ động nhường hỗ trợ cho hộ khác.
"Người dân cũng băn khoăn, e ngại khi nhận mình là hộ nghèo và tự mình vươn lên thoát nghèo", ông Thanh bày tỏ.
Tuy vậy, ông Thanh nêu rõ chương trình còn tồn tại, khó khăn. Đầu tiên là việc ban hành văn bản hướng dẫn, phân bổ vốn thực hiện còn chậm, công tác phối hợp giữa các cấp chưa chặt chẽ, trách nhiệm đề xuất xây dựng kế hoạch chưa chủ động…
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đề nghị Trung ương có cơ chế đặc thù để địa phương chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư biên giới; giao vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cả giai đoạn 2021 - 2025 (giống đầu tư công)...
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết bộ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Đây là cơ sở để trình Chính phủ sửa đổi, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm giao quyền địa phương thực hiện chính sách.
Ông Dung đề nghị các địa phương rà soát tồn tại để xử lý, giải ngân các dự án và chia sẻ, Quốc hội đồng ý phân bổ ngân sách nhiều hơn cho mục tiêu đến năm 2025 xóa trên 100.000 nhà tạm, nhà dột nát...
Theo chỉ số Nghèo đa chiều công bố mới đây, Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia giảm nghèo đa chiều thành công 15 năm qua.