vĐồng tin tức tài chính 365

Cần duy trì chính sách tài khoá mở rộng, giảm 2% VAT đến hết năm 2024

2023-11-17 18:19

Tại đợt 1 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; trong đó có 15 chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; lạm phát bình quân 4 - 4,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%...

Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về những động lực để Việt Nam đạt được kết quả cao nhất của Nghị quyết này.

Ông đánh giá thế nào về các chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 mà Quốc hội vừa thông qua?

Trong 15 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, có những chỉ tiêu đặt ra ở mức ngang bằng với năm 2023, có chỉ tiêu thấp hơn.

Ngoài những chỉ tiêu có thể đạt và vượt như năm 2023, tôi quan tâm nhất đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, chỉ tiêu này đã không thể đạt được trong năm 2023 (kế hoạch GDP năm 2023 là tăng 6 - 6,5% nhưng đến giờ dự kiến chỉ đạt khoảng trên 5% - PV). Năm 2024, những bất ổn toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, nhiều tổ chức quốc tế vẫn dự báo bi quan về tình hình kinh tế thế giới.

Việt Nam có nền kinh tế có độ mở cao, động lực tăng trưởng là xuất khẩu bị ảnh hưởng khá tiêu cực bởi sự suy giảm cầu trên thế giới, nên dù hai động lực còn lại là đầu tư công và tiêu dùng trong nước gần đây có tín hiệu tích cực thì các khó khăn vẫn còn rất lớn, việc đạt được chỉ tiêu GDP nói trên là rất thách thức.

Động lực đến từ xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn: 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 7,1%; nhập khẩu giảm 12,3%. ảnh 1

Động lực đến từ xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn: 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 7,1%; nhập khẩu giảm 12,3%.

Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm các chỉ tiêu năm 2023 được dự báo không đạt nhưng năm 2024 kế hoạch đặt ra lại thấp hơn. Ví dụ, chỉ tiêu tăng năng suất lao động năm nay kế hoạch là 4,8 - 5,3% (năm ngoái 5,0 - 6,0%); chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP năm nay là khoảng 24,1% - 24,2% (năm ngoái khoảng 25,4 - 25,8%).

Theo tôi, cả hai chỉ tiêu này là nền tảng để tạo động lực tăng trưởng cả ngắn và dài hạn. Hai chỉ tiêu này bị hạ kế hoạch sẽ khiến cho khả năng hoàn thành kế hoạch hai chỉ tiêu này và chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn.

Như vậy theo ông, việc tiếp tục kiên định mục tiêu GDP tăng 6 - 6,5% trong bối cảnh khó khăn hiện nay liệu có khả thi?

Chính phủ vẫn đang rất nỗ lực, cố gắng để đạt được mức tăng GDP năm 2023 trên 5%. Các nỗ lực này có thể kỳ vọng đạt được khi khối lượng giải ngân đầu tư công đang tốt dần lên, các tác động lan tỏa từ đầu tư công bắt đầu rõ rệt dần ở một số ngành, lĩnh vực liên quan.

Mặt khác do yếu tố thời vụ, các đơn hàng xuất khẩu cũng được đẩy nhiều hơn vào dịp cuối năm; cầu tiêu dùng trong nước được kích hoạt dịp cận Tết Nguyên đán. Với những yếu tố đó, tôi hy vọng năm 2023 có thể về đích tăng trưởng tiệm cận mức 5,5% mà VEPR dự báo hồi giữa năm nay.

Chưa năm nào giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm vượt 50% nhưng 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt 51,38% - tương ứng với giá trị vượt là 110.000 tỷ đồng. ảnh 2

Chưa năm nào giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm vượt 50% nhưng 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt 51,38% - tương ứng với giá trị vượt là 110.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cần lưu ý những bất ổn địa chính trị, xung đột mới nổi, các yếu tố không thuận lợi về thiên tai lũ lụt... có thể là những rủi ro kéo giảm nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên của Chính phủ.

Mục tiêu tăng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024 là một kế hoạch để phấn đấu trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới còn u ám. Tuy nhiên, nó cũng có cơ sở từ các tiến bộ của các động lực tăng trưởng trong nước và sự thành công do duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, với nỗ lực ngoại giao xuất sắc dịp cuối năm 2023, tôi kỳ vọng sẽ có những đột phá mới trong kinh tế đối ngoại, nhất là thu hút đầu tư quốc tế trong năm 2024 để tạo động lực hỗ trợ môi trường kinh doanh và tăng trưởng trong năm 2024.

Hiện nay doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Thời gian qua, các hỗ trợ của Chính phủ về tài khoá, tiền tệ được đánh giá là đã phát huy hiệu quả trong phục hồi và phát triển kinh tế, tuy nhiên vẫn còn dư địa. Theo ông, chính sách hỗ trợ trong năm 2024 cần chú trọng những gì?

Các chính sách hỗ trợ tổng cầu là rất quan trọng trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động và nguy cơ suy giảm. Tôi cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là rất cần thiết lúc này. Cụ thể, cần tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng, kết hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khoá là chủ yếu.

Trước tiên, đầu tư công phải đảm bảo chi đúng, chi trúng và đủ cho các dự án trọng điểm. Việc giải ngân các nguồn vốn chi tiêu công nói chung, đầu tư công nói riêng đúng tiến độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định hiệu quả động lực đầu tư công cho tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Chính sách thuế, phí cần dựa trên tình hình thực tế. Cần cố gắng thực hiện tiếp các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp như hiện nay và không nên có động thái tăng hoặc bổ sung một số loại thuế, phí mới như một số bộ ngành đang "rậm rịch" chuẩn bị cho năm 2024. Lúc này cần nhất là “khoan thư sức dân".

Đặc biệt, việc thực thi chính sách hỗ trợ nên giám sát để không xảy ra tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thối ngược", gây xáo trộn môi trường kinh doanh và kìm hãm hiệu quả hỗ trợ.

Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho một số nhóm ngành là một trong những điểm sáng của chính sách tài khoá mở rộng áp dụng trong năm 2022, 2023. ảnh 3

Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho một số nhóm ngành là một trong những điểm sáng của chính sách tài khoá mở rộng áp dụng trong năm 2022, 2023.

Ngoài ra, một số chính sách đảm bảo an sinh, duy trì sinh kế cho người lao động, người dễ bị tổn thương khi kinh tế khó khăn cần được tính đến trong giai đoạn này, tránh trường hợp có người dân rơi vào bước đường cùng gây xáo trộn xã hội và tạo nguy cơ bất ổn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ông đã từng có những đề xuất giảm thuế, phí để hỗ trợ phục hồi trong năm 2022, 2023 rất sát với kết quả phê duyệt sau đó của Chính phủ. Nghị quyết về Kế hoạch kinh tế xã hội 2024 nhấn mạnh phải nghiên cứu tiếp tục giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Theo ông, năm 2024 cần duy trì hoặc bổ sung, mở rộng chính sách hỗ trợ thuế, phí nào?

Trước hết, như tôi nói ở trên, ngoài việc duy trì các hỗ trợ về thuế, phí như hiện tại, cần tránh mở rộng hoặc phát sinh thêm khoản thuế, phí mới.

Đặc biệt, để phục hồi cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nước, chính sách giảm 2% thuế VAT nên được ban hành nghị quyết kéo dài đến hết năm 2024 và cần công bố rộng rãi, công khai, đi kèm với đó là đẩy mạnh sự minh bạch hóa đầu vào – đầu ra của doanh nghiệp và hộ kinh doanh để chính sách này thực sự tới được từng hộ gia đình.

Bên cạnh đó, cần cải cách chính sách hoàn thuế VAT để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ và phòng, chống việc trốn, tránh, gian lận thuế.

Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cải cách thể chế phải được coi là một động lực phát triển kinh tế xã hội. Việc Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa thể thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV liệu có phải là một trở ngại?

Thể chế nên được coi là động lực trực tiếp cho tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay. Nếu tư duy như vậy thì cải cách thể chế sẽ là điều kiện tiên quyết để khơi thông tất cả các điểm nghẽn của các động lực tăng trưởng khác từ đầu tư công, phát triển doanh nghiệp lẫn thúc đẩy tham gia vào dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế...

Cải cách thể chế còn có ý nghĩa quyết định nhằm tăng cường chất lượng quản trị công, phòng chống tham nhũng, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, qua đó đảm bảo hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, giúp tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Cải cách thể chế cũng là cơ sở để phát huy các động lực tăng trưởng mới bền vững và công bằng hơn như các mô hình tăng trưởng xanh, mô hình đổi mới sáng tạo và kinh tế số.

Với tinh thần đó, tôi kỳ vọng nhiệm vụ cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Đối với các đạo luật quan trọng được dự kiến thông qua lần này, dự thảo luật nào chưa thể thông qua cũng là sự đáng tiếc nhưng tôi kỳ vọng, dự thảo Luật đó sẽ được thảo luận và thông qua các nguyên tắc chính sách cơ bản; những phần còn lại thuộc về kỹ thuật lập pháp có thể thông qua ở kỳ họp tiếp theo.

Xem thêm: lmth.410433tsop-4202-man-teh-ned-tav-2-maig-gnor-om-aohk-iat-hcas-hnihc-irt-yud-nac/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Cần duy trì chính sách tài khoá mở rộng, giảm 2% VAT đến hết năm 2024”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools