Thời gian vừa qua, để cung cấp thêm dịch vụ, tăng cường công nghệ để các đối tác trên nền tảng có thêm nhiều cuốc xe, tăng thu nhập; khách hàng bớt được chi phí qua mỗi cuốc xe và các nhà hàng có thể tiết kiệm được chi phí gửi hàng... Grab Việt Nam phải cải tiến rất nhiều, tập trung phát triển các tính năng mới trên ứng dụng Grab.
Trong đó có thể kể đến bản đồ nhiệt, tính năng báo cho tài xế biết thời điểm nào có nhiều nhu cầu, giúp họ tiết kiệm thời gian chạy xe lòng vòng, qua đó giảm được rất nhiều khí thải ra môi trường. Tính năng gợi ý chặng đường có thể đưa ra cho tài xế tuyến đường gần hơn, tránh được những điểm nghẽn giao thông. Tính năng chia sẻ vị trí giúp tài xế và hành khách có thể dễ dàng tìm thấy nhau...
Bà Đặng Thị Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam cho biết: "Tất cả những cải tiến về công nghệ đó nhắm đến mục đích tiết kiệm thời gian ở trên đường, chạy xe và nổ máy của tài xế. Qua đó, tối ưu hóa hoạt động của tài xế và giảm tối đa lượng phát thải ra môi trường".
Là một nền tảng kết nối về vận chuyển, những cải tiến về công nghệ luôn là ưu tiên hàng đầu của Grab. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, những khó khăn mà Grab Việt Nam đang đối diện không không phải riêng mà là chung của toàn bộ nền kinh tế. "Không thể lúc nào chúng ta cũng có thể bon bon như những tài xế ngoài kia", bà Trang nói.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững, phía Grab đề xuất Việt Nam tháo gỡ các quy định hành chính đang cản trở các doanh nghiệp trong ngành.
Đầu tiên đó là phải tạo điều kiện để kinh tế chia sẻ có thể phát triển. Cụ thể, Chính phủ cũng như ngành Giao thông Vận tải cho phép hành khách sử dụng xe hợp đồng có thể chia sẻ hành trình (ridesharing). Ví dụ 3 hành khách có thể đi chung trên cùng 1 chuyến xe có cùng hành trình hoặc điểm đến thay vì đi trên 3 chiếc xe riêng biệt. Điều này giúp tiết kiệm nhiên liệu tiêu thụ, hạn chế lượng khí thải ra môi trường và giảm ùn tắc ở những khu đô thị lớn.
Tiếp đó là tối đa hóa tính năng của các xe dịch vụ dưới 9 chỗ. Theo quy định hiện hành của ngành giao thông vận tải, chỉ cho phép mỗi phương tiện vận tải chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách hoặc vận chuyển hàng hoá, tuỳ theo phù hiệu xe kinh doanh được cấp.
Trong quá trình vận hành, Grab Việt Nam nhận thấy nhu cầu sử dụng xe dưới 9 chỗ để vận chuyển hàng hóa, đơn hàng nhỏ là có chứ không nhất thiết phải dùng đến xe tải.
Cùng với đó, Grab trên toàn khu vực Đông Nam Á đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040. Để đạt được mục đích, trước tiên phải giảm thiểu được lượng phát thải ra môi trường. Giải pháp được đưa ra đó là tận dụng nguồn cung về xe điện. Tuy nhiên, để người dân chấp nhận sử dụng xe điện đòi hỏi quyết tâm rất cao đến từ Chính phủ, cũng như cần một lộ trình chi tiết giữa các doanh nghiệp với nhau.