Tại Việt Nam, dự báo 5 năm tới cần khoảng 20.000 người trình độ từ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn. Việc chuẩn bị nhân lực cho ngành này vì vậy đang được quan tâm.
Thiếu nhân lực ngành bán dẫn: chuyện cả thế giới
Ở Hàn Quốc, các chuyên gia cảnh báo ngành công nghiệp chip thiếu trầm trọng nhân lực sau khi nhiều kỹ sư tay nghề cao chuyển hướng làm việc cho Trung Quốc và một số nước. Để giải quyết vấn đề này, tháng 7-2022, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố "lộ trình 10 năm" cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm đào tạo 150.000 cử nhân ngành bán dẫn.
Theo đó, các trường đại học Hàn Quốc được phép nâng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành liên quan đến bán dẫn. Bộ Giáo dục cũng phân bổ khoảng 3.600 tỉ won (khoảng 2,8 tỉ USD) để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài Seoul.
Một số trường đại học được chỉ định trở thành "trường đại học về chất bán dẫn". Mỗi vùng có trung tâm nghiên cứu về chất bán dẫn riêng và thiết lập trong mạng lưới quốc gia.
Tại Nhật Bản, cuộc chạy đua xây dựng nhà máy bán dẫn trên khắp đất nước cũng đòi hỏi nhiều lao động lành nghề hơn. Số việc làm cho kỹ sư bán dẫn tại Nhật đã tăng gấp 13 lần trong 10 năm qua.
Dù có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo lực lượng lao động sẵn sàng, hiệp hội ngành chất bán dẫn của Nhật Bản dự đoán trong một thập kỷ tới, mỗi năm ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 1.000 nhân lực chất lượng cao.
Còn tại Mỹ, dự báo ngành công nghiệp bán dẫn sẽ thiếu hụt từ 70.000 - 90.000 lao động trong những năm tới. Tỉ lệ sinh viên Mỹ tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư điện - vốn cần có cho nhiều công việc liên quan đến chất bán dẫn - đã giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua.
Đối với Việt Nam, số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho thấy nước ta hiện có 5.575 kỹ sư thiết kế chip. Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.
Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn (tổ chức mới đây tại Đà Nẵng), PGS.TS Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một điểm nghẽn lớn trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Hợp tác đào tạo giữa trường đại học - doanh nghiệp
Nguyễn Hoàng Tấn Ngọc (đến từ TP.HCM) hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học quốc lập giao thông Yang Ming (Đài Loan). Ở Trung tâm thiết bị nano của trường, trong bộ đồ bảo hộ, Tấn Ngọc đang vận hành các thiết bị sản xuất tấm wafer (miếng silicon mỏng là vật liệu nền, người ta cấy lên đó những vật liệu khác nhau tạo ra vi mạch - PV).
Tấn Ngọc là một trong số rất nhiều nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học về chất bán dẫn ở Đài Loan.
Một trường khác là Đại học khoa học - công nghệ Minghsin (cùng ở TP Tân Trúc, Đài Loan) hiện có 1.100 sinh viên Việt Nam. 85% trong số này học tập ở lĩnh vực chất bán dẫn, theo TS Max Kuo-Wei Liu, hiệu trưởng nhà trường.
Tại Đại học Minghsin có một dây chuyền đóng gói và test sản phẩm bán dẫn. Ngoài ra còn một khu "TSMC thu nhỏ" đang xây dựng, trong đó có những thiết bị sản xuất giống hệt thực tế tại nhà máy của TSMC (công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan - PV).
Ông Max Kuo-Wei Liu cho biết mô hình đào tạo nhân lực chất bán dẫn ở đây kết hợp giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường, với tổng đầu tư khoảng 15 triệu USD. Trong đó, 60% đến từ nhà nước, 20% do nhà trường bỏ ra và 20% từ các doanh nghiệp quyên góp (trong đó nhiều doanh nghiệp quyên góp thiết bị, cử nhân lực hỗ trợ…).
Công viên khoa học Tân Trúc, một trong ba đơn vị khoa học - kỹ thuật lớn nhất Đài Loan, có một "hệ sinh thái nghiên cứu - phát triển" gồm mối liên hệ mật thiết với bảy trường đại học, tám phòng Lab, hơn 10.000 kỹ sư… Những cơ sở đào tạo, nghiên cứu này cung cấp cho Công viên Tân Trúc nhân lực để hoạt động và phát triển.
Theo TS Yuan-Chieh Tseng, phó hiệu trưởng Trường quốc tế về công nghệ bán dẫn (Đại học Yang Ming), mô hình hợp tác giữa nhà trường và Công viên Tân Trúc như sau: Phía Tân Trúc chỉ định và chuyển một phần kinh phí cho trường Yang Ming để đào tạo nhân lực. Trường và các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp cùng nhau tạo ra hệ sinh thái chất bán dẫn.
Đổi lại, các doanh nghiệp được hưởng lợi cũng sẽ chuyển kinh phí cho trường, như năm 2022, TSMC chuyển cho Đại học Yang Ming gần 3 triệu đô la.
Nhiều kiến nghị đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch
Việt Nam hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.
Các chuyên gia đề xuất Nhà nước có chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn; có chính sách hỗ trợ trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu.
Đồng thời đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm bổ sung mã ngành đào tạo trực tiếp về vi mạch bán dẫn, hướng dẫn xây dựng ngành, chương trình đào tạo; kết nối chuyên gia, trường đại học quốc tế với các trường đại học, cơ sở đào tạo ở Việt Nam... để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch.
Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành bán dẫn của Việt Nam. Trong đó, đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới là rất cần thiết.