Dự luật chi tiêu nêu trên đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua với tỉ lệ ủng hộ mạnh mẽ trong tuần này, đảm bảo chính phủ Mỹ mở cửa cho đến sau kỳ nghỉ lễ. Điều này đồng nghĩa các nhà lập pháp có thêm thời gian để giải quyết những khác biệt đáng kể liên quan đến ngân sách chính phủ trong năm tài chính hiện tại.
Tổng thống Biden đã ký dự luật nêu trên ở TP San Francisco - Mỹ, nơi ông chủ trì tiệc tối cho lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Dự luật sẽ duy trì ngân sách ở mức hiện tại trong khoảng 2 tháng, trong khi gói chi tiêu dài hạn được đàm phán.
Dự luật cũng tách hạn chót thông qua luật chi tiêu cho cả năm tài chính thành 2 ngày: ngày 19-1-2024 đối với một số cơ quan liên bang và ngày 2-2-2024 đối với các cơ quan khác. Cách tiếp cận này đảm bảo chính phủ Mỹ hoạt động bình thường ở thời điểm hiện tại, song nó lại khiến họ đối mặt với nguy cơ đóng cửa một phần vào các ngày 19-1-2024 và ngày 2-2-2024.
Tổng thống Joe Biden chủ trì tiệc tối cho lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tại TP San Francisco - Mỹ hôm 16-11. Ảnh: AP
Cách tiếp cận "hai bước" nêu trên được Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson của Đảng Cộng hòa ủng hộ. Tại Thượng viện, cách tiếp cận này chỉ được một đảng viên Đảng Dân chủ và 10 đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ.
Ông Johnson đã tuyên bố rằng ông sẽ không ủng hộ bất kỳ biện pháp tài trợ tạm thời nào nữa. Ông miêu tả dự luật tài trợ tạm thời là "tiền đề cho một cuộc đàm phán" chi tiêu với Thượng viện vào năm tới.
Dự luật chi tiêu nêu trên không bao gồm yêu cầu gần 106 tỉ USD của Nhà Trắng về viện trợ cho Israel và Ukraine. Dự luật cũng không giải quyết một số yêu cầu khác như chi tiền cho an ninh biên giới Mỹ.
Xem thêm: nhc.593124091711132881-cat-gnag-gnort-auc-gnod-oc-yugn-taoht-ym-uhp-hnihc/nv.fefac