Vô sinh, hiếm muộn gia tăng
Chia sẻ tại hội thảo dân số vừa diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ lo ngại khi Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao.
Ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn là do tỉ lệ phá thai cao, viêm nhiễm đường sinh dục, sử dụng dụng cụ tránh thai. Bên cạnh đó, sự hiểu biết về vô sinh của nhiều cặp vợ chồng còn hạn chế.
Đề xuất chi trả bảo hiểm y tế cho điều trị vô sinh, hiếm muộn
Ông Hồ Sỹ Hùng - phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, Bệnh viện Phụ sản trung ương - đề xuất cần có thêm chính sách hỗ trợ điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Ông Hùng cho hay hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia chưa có chính sách bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị vô sinh, hiếm muộn. Trong khi thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 6,7 triệu đồng/tháng thì chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn còn là gánh nặng đối với các gia đình Việt Nam.
"Thực tế tỉ lệ sinh tại Việt Nam trước đây rất cao và mới có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, vô sinh không phải là một bệnh, mà chỉ được xác định là một tình trạng.
Đặc biệt là điều kiện nguồn lực xã hội vẫn còn thấp, chưa đủ chi trả cho tất cả các dịch vụ... Vậy nhưng hiện nay thực trạng dân số đã có sự thay đổi, chúng ta đang bắt đầu tìm giải pháp khuyến khích sinh con.
Ở nhiều quốc gia, bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị vô sinh, Việt Nam có thể xem xét khuyến khích tăng tỉ lệ sinh bằng cách chi trả bảo hiểm, giảm viện phí,...", ông Hùng nói.
Đồng tình với đề xuất của ông Hùng, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam - bày tỏ hy vọng trong điều kiện cần và đủ, bảo hiểm chi trả cho người vô sinh, hiếm muộn sẽ có chính sách hợp lý, phù hợp thực tế và mang ý nghĩa nhân văn.
Chứng kiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn phải vay mượn, thậm chí bán nhà để mong mỏi có một đứa con, bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản trung ương, cũng đồng tình đề xuất đưa điều trị vô sinh, hiếm muộn vào danh mục bảo hiểm chi trả.
Bác sĩ Thành cho rằng nhiều nước trên thế giới đã đưa điều trị vô sinh, hiếm muộn vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế.
"Đối với nhiều gia đình, 60 - 70 triệu để làm thụ tinh ống nghiệm là số tiền vô cùng lớn. Trong khi chi phí kỹ thuật đắt đỏ, điều trị ung thư cũng đã được đưa vào danh mục bảo hiểm thì cần có chính sách hỗ trợ cho các cặp gia đình vô sinh, hiếm muộn như vậy", bác sĩ Thành cho hay.
Cần đánh giá nguồn lực, quỹ bảo hiểm y tế
Về đề xuất bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị vô sinh, hiếm muộn, ông Lê Văn Phúc, trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng đây là vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách xem xét trên cơ sở đánh giá ngân sách; việc tác động của chính sách mới đến quỹ, năng lực tài chính. Đồng thời, cần xem xét để có các quy định phù hợp mức hỗ trợ như thế nào theo từng nhóm đối tượng...
"Hiện Luật Bảo hiểm y tế đang trong quá trình sửa đổi, và đang thảo luận về bảo hiểm y tế bổ sung, cân nhắc bảo hiểm y tế bổ sung mở rộng cho điều trị vô sinh cũng là một giải pháp", ông Phúc nhận định.
Có rất nhiều kiến thức khoa học về việc sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng và tác dụng có lợi cho khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Bởi những chất bổ sung có thể rất hiệu quả trong việc tái cân bằng hormone, cải thiện sức khỏe để thụ thai.