Câu chuyện nghe qua khó tin nhưng lại trở thành hình mẫu về mô hình nhà trường cùng cha mẹ phụ huynh đồng hành đưa trẻ đến trường.
Bụng rỗng tới trường
Cô Nguyễn Thị Tuyền - hiệu trưởng Trường mầm non Đắk Plô - cho biết năm 2012 khi được phân công về Đắk Plô, cô và nhiều giáo viên không khỏi xót xa khi thấy cảnh trẻ đến trường trong lem luốc, bụng rỗng, da xanh vì suy dinh dưỡng. Khi cô giáo tắm rửa, vệ sinh cho trẻ, những dãy xương sườn đội lên dưới lớp da khô làm giáo viên thắt lòng.
Đắk Plô có một điểm trường chính và ba điểm lẻ. Đồng bào 100% người Giẻ Triêng sống dựa vào rừng rẫy ngàn đời. Trong kham khó, họ sinh con ra và cho no cái bụng mỗi bữa đã là một cố gắng. Do vậy, việc duy trì trẻ đi học từ mầm non không hề đơn giản.
"Là giáo viên mầm non nên chúng tôi rất hiểu. Trẻ không thể vui, không thể học tốt nếu thiếu ăn, suy nhược và suy dinh dưỡng được. Chúng tôi bàn với cán bộ xã bắt tay thực hiện cuộc vận động toàn bộ đồng bào Giẻ Triêng dành cho con những bữa đến trường no bụng, tươm tất và đủ đầy" - cô Tuyền nói.
Hàng tháng trời miệt mài tới từng nhà, lên tận nương rẫy, các cô giáo cùng cán bộ xã tìm đủ cách để giải thích cho bà con thấu hiểu tầm quan trọng của việc cho trẻ no bụng khi tới trường.
Thời điểm đó, Trường Đắk Plô chưa nhận bán trú nên đa phần trẻ buổi sáng đi bộ chân đất tới lớp rồi trưa lại lấm chấm leo dốc trở về làng. Khi tổ chức học hai buổi/ngày, các cô giáo hết buổi trưa phải mướt mồ hôi chạy vào rẫy đi tìm trẻ để đưa các em trở lại học ban chiều, nhưng đa phần học sinh không chịu trở lại trường vì ba mẹ đi rẫy, buổi trưa chỉ lục cơm nguội ăn với cái bụng đói cồn cào.
Nhà và trường cùng làm
Cô Tuyền kể sau hàng tháng trời cùng cán bộ xã vận động, nhiều bà con đã bắt đầu xuôi lỗ tai, nghe vừa bụng lời cán bộ để họ dành thời gian nấu cơm nóng với đồ ăn tăng chất cho trẻ mỗi buổi sáng.
Ban đầu chỉ một vài hộ, lâu dần thấy bà con quan tâm con cái mỗi buổi sáng, trẻ cũng tươi vui và thích đi học hơn nên phụ huynh các làng cũng làm theo. Từ năm 2018, hình ảnh đưa trẻ đến trường ở Đắk Plô thay đổi hoàn toàn.
Trẻ nào buổi sáng tới trường cũng được mang theo cặp lồng ấm nóng cơm, thức ăn có thịt, cá, trứng. Việc tổ chức bán trú của cô giáo trở nên nhẹ nhàng và các cô cũng vui khi thấy trẻ ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh và tăng cân từng tháng.
Thay đổi bữa ăn, "lấp đầy" những cái bụng đói cho trẻ đã là việc thành công ngoài mong đợi. Nhưng các cô giáo ở Đắk Plô còn làm được điều kỳ tích hơn thế. Họ tiếp tục vận động người Giẻ Triêng dành tiền mua sữa để mỗi buổi sáng trên tay trẻ tới lớp ngoài cơm còn có ít nhất hai hộp sữa tươi.
Các giáo viên ở Đắk Plô nghĩ rằng phải rất lâu ý tưởng này mới thành hiện thực. Nhưng sự đồng thuận của phụ huynh khiến tất cả đều bất ngờ. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu cả cơm tới trường, học sinh Giẻ Triêng nay tươm tất đến trường đủ đầy với cả cặp lồng cơm lẫn sữa tươi. Một câu chuyện đẹp như "cách mạng lớn" ở ngôi trường dưới dãy Ngọc Linh.
Bán trú... 22.000 đồng
Ngoài việc thuyết phục thành công để trẻ đến trường no và vui, Trường Đắk Plô còn trở thành ngôi trường duy nhất trên toàn tỉnh Kon Tum thực hiện thành công mô hình xã hội hóa dịch vụ bán trú chỉ với giá... 22.000 đồng.
Bà Huỳnh Thị Thu Vân - trưởng Phòng giáo dục tiểu học, mầm non (Sở GD-ĐT Kon Tum) - nói nghị quyết của HĐND tỉnh Kon Tum về tổ chức dịch vụ bán trú quy định mức thu tối đa là 575.000 đồng/trẻ/tháng và dịch vụ trông giữ trẻ ngoài giờ là 10.000 đồng/trẻ/giờ.
Nhưng ở Đắk Plô, để trẻ ở lại trường ấm cúng và các cô chăm sóc sạch sẽ thì dịch vụ bán trú cho mỗi trẻ chỉ thu 22.000 đồng/tháng. Tiền dịch vụ trông giữ trẻ ngoài giờ cũng chỉ 20.000 đồng/tháng.
Hiệu trưởng nhà trường nói số tiền 22.000 đồng đó chỉ là thu "tượng trưng" vì thực tế cha mẹ Giẻ Triêng cũng rất nghèo. Để trẻ vui, các cô giáo phải xoay xở tính toán chi li đủ cách.
Nhờ nỗ lực bền bỉ mà hiện trường đã huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100% - một mô hình kiểu mẫu về nỗ lực vượt khó dạy học của Kon Tum.
Nữ hiệu trưởng tiêu biểu
Với câu chuyện xúc động về tăng bữa ăn cho trẻ, năm 2023 cô giáo Nguyễn Thị Tuyền - hiệu trưởng Trường Đắk Plô - đã được Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum vinh danh toàn ngành. "Là người đứng đầu đơn vị, tôi luôn trăn trở làm sao để các con có được thể trạng khỏe mạnh, phát triển tốt, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt, trẻ dưới 3 tuổi phải được đến trường, duy trì tốt sĩ số học sinh ra lớp" - cô Tuyền nói.
Dù gặp không ít khó khăn, hiện đã có khá nhiều trường và nhiều giáo viên nỗ lực đổi mới trong kiểm tra, đánh giá, mang lại niềm vui học tập cho học sinh.