Đổi lại lịch trình bận rộn, nhiều tín hiệu tích cực cho liên kết kinh tế, thương mại khu vực đã hé mở sau các cuộc đàm phán và cuộc gặp từ cấp bộ trưởng trở lên.
Ba đề xuất của Việt Nam cho IPEF
Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho cuộc gặp cấp cao các nhà lãnh đạo "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - (IPEF)" ngày 16-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự và phát biểu. Trong đó, ông nhấn mạnh IPEF là nỗ lực chung nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thay đổi, cơ hội và thách thức đan xen.
IPEF được kỳ vọng là mô hình liên kết, kết nối kinh tế năng động, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.
Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã đề xuất ba định hướng lớn trong triển khai hợp tác thời gian tới nhằm bảo đảm hợp tác IPEF phát huy tối đa tiềm năng và thực sự hiệu quả. Thứ nhất, IPEF cần là cơ chế hợp tác mở, bao trùm, không phân biệt đối xử, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Theo ông, IPEF cần hoan nghênh sự tham gia của các nước trong và ngoài khu vực, phải tương trợ, bổ sung các sáng kiến kết nối, liên kết kinh tế khu vực khác. Thứ hai, hợp tác cần đáp ứng nhu cầu phát triển, cân bằng lợi ích của các bên cũng như tôn trọng, tính đến sự khác biệt, đặc thù riêng mỗi nước và chú trọng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực. Thứ ba, IPEF cần khuyến khích đầu tư mới vào xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi năng lượng sạch, sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại khu vực.
Cũng tại cuộc gặp, các bên đã thông qua tuyên bố lãnh đạo về IPEF, cho thấy những bước tiến sau một năm rưỡi đàm phán kể từ khi IPEF được công bố vào tháng 5-2022. Cụ thể, 14 nước tham gia đàm phán IPEF đã kết thúc các cuộc đàm phán về Thỏa thuận kinh tế sạch IPEF và Thỏa thuận kinh tế công bằng IPEF tại San Francisco. Các bộ trưởng IPEF cũng ký Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF tại San Franciso, vốn đã kết thúc đàm phán từ tháng 5 năm nay.
Như vậy cho đến nay, IPEF đã kết thúc đàm phán xong ba trong số bốn trụ cột, chỉ còn lại thương mại. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các đối tác của IPEF sẽ thực hiện các bước cần thiết, bao gồm tham vấn thêm trong nước và đánh giá pháp lý, để chuẩn bị văn bản cuối cùng của ba thỏa thuận được đề xuất.
CPTPP mở cửa với tất cả đơn xin gia nhập
Ngay trước cuộc gặp ngày 16-11 của các lãnh đạo IPEF, bộ trưởng các nền kinh tế thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng nhóm họp và phát đi thông điệp về sự cởi mở nhưng có nguyên tắc. Theo tuyên bố chung của các bộ trưởng CPTPP, các bên tái khẳng định cam kết đảm bảo hiệp định vẫn là "tiêu chuẩn vàng" cho các hiệp định thương mại khác.
Các bộ trưởng cũng tái khẳng định CPTPP cởi mở với các yêu cầu gia nhập của các nền kinh tế sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định và thể hiện được khả năng tuân thủ các quy định thương mại. Tuy nhiên, quyết định kết nạp vẫn sẽ phụ thuộc vào việc các thành viên hiện tại có đạt được sự đồng thuận hay không.
Các cuộc họp của IPEF và CPTPP tại San Francisco lần này cho thấy nỗ lực của Mỹ trong việc ghi dấu ấn trở thành nơi chứng kiến các bước tiến quan trọng của những sáng kiến liên kết, hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên với IPEF, việc trụ cột thương mại vẫn chưa kết thúc đàm phán được xem là một điều đáng tiếc trong dịp này.
Mặc dù vậy, theo tuyên bố của các lãnh đạo IPEF, 13/14 nước tham gia tiến trình đàm phán đã đạt được tiến bộ và tiếp tục nỗ lực hướng tới kết quả là một trụ cột thương mại cùng có lợi, thúc đẩy thương mại công bằng, cởi mở và dựa trên luật lệ, đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế để mang lại lợi ích bao trùm.
Với các nền kinh tế tham gia cả IPEF và CPTPP, những gì sáng kiến do Mỹ khởi xướng vẫn còn thiếu có thể được tìm thấy tại CPTPP. Trong trường hợp của Việt Nam, IPEF giúp chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong các mục tiêu mà đất nước đang theo đuổi như kinh tế sạch và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững và ít rủi ro.
Trong khi đó, CPTPP sẽ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với các nền kinh tế trong khối khi các thành viên cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.
Việt Nam kêu gọi hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển
Ngày 16-11 (giờ Mỹ), tiếp tục các hoạt động tại Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Đối thoại giữa các lãnh đạo kinh tế APEC với khách mời và Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với các thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC. Người đứng đầu Nhà nước cũng gặp, trao đổi với lãnh đạo một số nền kinh tế APEC như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Brunei và Malaysia.
Tại cuộc đối thoại với các khách mời APEC, Chủ tịch nước là nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu tại phiên thảo luận. Trong đó, ông kêu gọi các nước phát triển và các đối tác quốc tế tăng cường chia sẻ thành quả khoa học - công nghệ, đóng góp tài chính, đồng thời khẩn trương đưa Quỹ tổn thất và thiệt hại vào hoạt động để hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với khách mời nhận được sự đánh giá cao và hoan nghênh của những người có mặt.