Tại hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do báo Dân trí tổ chức ngày 17/11 tại TPHCM, các chuyên gia, đại diện ngân hàng cùng thảo luận để tìm giải pháp tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng, đề xuất những biện pháp hiệu quả để chạy nước rút tăng trưởng tín dụng cuối năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn thấp.
Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/10, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của Ngân hàng Nhà nước lên đến 14%.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM - cho biết, từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết do nhu cầu vốn tăng cao.
Các ngân hàng thương mại chuẩn bị nguồn tín dụng 9.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay theo hướng nguồn vốn giá rẻ, lãi suất khoảng 4-6%/năm.
Ông Lệnh đánh giá hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng trên địa bàn TPHCM đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo 2 xu hướng tích cực.
Đối với doanh nghiệp còn khó khăn thì ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói "hầu bao" của người Việt đã giảm nhanh. Trong đó, "lỗi của người giàu" là gần 3,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Chúng ta đang đi ngược khi thay vì xuất khẩu du lịch thì ta lại nhập khẩu du lịch.
Bên cạnh những khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, chúng ta vẫn có điểm tích cực như tổng cầu tiêu dùng, xuất khẩu đầu tư có điểm tích cực. Thị trường bất động sản đang nỗ lực, các tín hiệu tích cực về thanh khoản, đã nhúc nhích đi lên...
Điểm tích cực khác là nhiều chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.
Nhóm chính sách tiếp đó là hỗ trợ tổng cầu (lao động, giảm VAT, kích thích du lịch, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài…). Ông hy vọng đầu tư tư nhân không phải gửi tiền vào ngân hàng mà để tiền làm ăn.
"Chúng tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp với ngân hàng sẽ đến với nhau như một người bạn. Doanh nghiệp với ngân hàng hãy nói rõ với nhau hơn, hãy hiểu về nhau hơn", ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank - nói tại hội thảo.
Ông nói thêm, trong những gói cho vay hiện tại có thể sẽ không chỉ là cái hợp đồng mua bán, không để tăng trưởng mà nhiều khi cho vay là để doanh nghiệp đáp ứng thanh khoản, để thanh toán cho một bên thứ ba.
"Chúng ta hãy tin nhau hơn, hãy dám thể hiện với nhau hơn. Doanh nghiệp phải mạnh dạn chia sẻ. Ngân hàng phải lắng nghe nhiều hơn", ông bày tỏ.
Theo ông, ngân hàng phải nghĩ ra nhiều gói tín dụng để đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của doanh nghiệp. Qua những điều đó, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ kết nối được với nhau.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM - nói bối cảnh vĩ mô đặc biệt nhưng tín dụng quen thuộc. "9 tháng tín dụng đạt 1/3 chỉ tiêu, tôi quen suốt 10 năm nay rồi, đó là câu chuyện thời vụ", ông nói. So với mục tiêu tín dụng năm nay đạt 14% thì rất xa.
Theo ông, nếu GDP chỉ tăng 4,7-5% thì tín dụng chỉ tăng 11-12%. Hiện giờ con số đã đạt 7,49% rồi. Ông theo dõi 10 năm nay và nhận thấy các tháng 11,12 có tính thời vụ tăng 2% là bình thường. Tết năm nay là một nửa thì cần ngân hàng nỗ lực hơn, xét duyệt nhanh hơn, doanh nghiệp nỗ lực hơn.
"Theo tôi, tín dụng tăng 9 tháng vừa rồi là bình thường, đúng chu kỳ. Chỉ có điều chúng ta tính đến điều xấu nhất để đưa ra giải pháp tốt nhất. GDP chỉ tăng 4,7% thì phải tính lại tăng trưởng tín dụng, để 2 bên không kênh nhau", ông đúc kết.
Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) - nói các doanh nghiệp tư duy kinh doanh phải thay đổi, mang tính bền vững.
Ông lưu ý câu chuyện chuyển đổi mô hình xanh. "Xanh" đang trở thành hàng rào kinh tế đối với các quốc gia.
Công nghệ cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp chưa nghĩ đến sáng tạo, muốn sáng tạo cần công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Đây là vấn đề dài hơi, chúng ta cần nhắc đến. "Hôm nay chúng ta thấy khó không có nghĩa là nó không có lối ra", ông nói.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói các ngân hàng thương mại có tập khách hàng riêng, "khẩu vị" khác nhau, có đơn vị thiên về SME, có đơn vị thiên về bất động sản… Hệ sinh thái khác nhau nên phải tìm hiểu "khẩu vị" đánh giá rủi ro, hợp tác cùng với đối tác. Khách hàng phải biết mình thuộc nhóm nào để "chơi".
Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank - cho rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng hạn chế nhưng nguồn đầu vào vẫn phải nhận, không thể từ chối được. "Ngân hàng - khách hàng luôn đồng hành với nhau", ông nói. Ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không để đó.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói 2 năm tới, trừ khi hệ thống tài chính được cải thiện hơn hiện tại, nếu không thì chưa thể bỏ "quota" tín dụng. Còn tăng trưởng tín dụng lớn hơn là vấn đề khó. Việc đặt chỉ tiêu 14-15% của Việt Nam được ông Thành nhận định là dũng cảm.
Ông Trần Hoài Phương chia sẻ cách để doanh nghiệp không rơi vào khó khăn khi vay vốn ngân hàng.
Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn.
Tiếp đó là không nên để nợ quá hạn.
Thứ 3 là vòng quay vốn không dài.
Ông Nguyễn Đức Lệnh nói để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Ông cũng lưu ý doanh nghiệp nói khó vay vốn ngân hàng thì phải lượng hóa việc khó khăn đó ở đâu.
Thiết kế: Hoàng Hiệp