"Ngôn ngữ của nước" là nhan đề triển lãm đang trưng bày đến hết 29-11 tại XYZ Café & Artspace (50 Nguyễn Văn Mai, phường 8, quận 3, TP.HCM).
Đây cũng là tuyên ngôn thể hiện kỹ thuật vẽ đặc trưng của Nicolás López, được anh chọn làm chủ đề cho chuỗi các triển lãm cá nhân và workshop tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Họa sĩ quốc tế trải nghiệm với giấy Pà Cò
Nicolás López được xem là một trong những master (bậc thầy) màu nước quốc tế với nhiều giải thưởng danh giá.
Anh là thành viên danh dự của Hiệp hội Màu nước quốc gia Mỹ, đại sứ của hãng họa phẩm Daniel Smith với những tác phẩm góp phần làm giàu nghệ thuật màu nước toàn cầu.
Yêu hội họa và khám phá, Nicolás đã đến 35 quốc gia và vẫn đang tiếp tục hành trình trải nghiệm.
Vẽ màu nước là cách anh tận dụng chất liệu để kể chuyện về lịch sử, văn hóa, nội tâm con người, chuyển tải những chiêm nghiệm về bản chất trong môi trường sống bản địa.
Đến Việt Nam lần này, Nicolás có dịp khám phá chất liệu giấy giang, hay giấy Pà Cò, một chất liệu truyền thống độc đáo và là đại diện văn hóa tín ngưỡng sâu sắc của người Mông.
Với kết cấu bề mặt gồ ghề sần sùi, thấm nước tốt, giấy giang rất hợp để vẽ màu nước, và càng phù hợp với sự phóng khoáng, tự do trong nghệ thuật của Nicolás. Sự thô mộc đơn sơ của bột vỏ cây trên bề mặt giấy cũng khiến anh nhớ về quê hương Peru.
Chịu ảnh hưởng từ tâm lý học, thần thoại và triết lý Kafka, với Nicolás, con người thật nhỏ bé trong thế giới rộng lớn phức tạp. Sao ta không sống vô thường như nước trôi?
Nước là khởi nguồn và cũng là kết thúc, là sự sống và cái chết, là tương phản của trắng đen, nước tồn tại trong mọi sinh vật... Nước ở châu Âu, châu Á, ở Peru quê hương anh hay ở Việt Nam, xét đến cùng bản chất đều giống nhau. Và con người cũng vậy, tất cả đều là một.
Anh thể hiện tính vô thường đó bằng kỹ thuật kiểm soát màu nước tinh tế, kết hợp triết lý sáng tạo cá nhân và sự chuyển động tự do của màu trên giấy trong từng khoảnh khắc của hiện tại.
Nâng cao tính trải nghiệm cho hoạt động nghệ thuật
Theo giám tuyển Minh Liên, ban đầu Nicolás López không định tổ chức triển lãm tại Việt Nam. Nhân chuyến khám phá châu Á, anh định ghé Việt Nam làm workshop và đi vẽ cùng bạn bè trong cộng đồng màu nước. Nhưng Việt Nam cho anh nhiều cảm hứng hơn dự kiến.
Sự vui vẻ, cởi mở của người dân, nguồn năng lượng sống mạnh mẽ cùng sự chào đón của cộng đồng màu nước khiến hành trình của anh trở thành một chuỗi trải nghiệm phong phú.
Bên cạnh triển lãm "Ngôn ngữ của nước", Nicolás López còn có nhiều workshop bên lề, các buổi trò chuyện chia sẻ kỹ thuật vẽ, giao lưu cùng sinh viên vẽ ký họa tại TP.HCM... Sau đó, anh sẽ tiếp tục hành trình với cộng đồng yêu màu nước tại Hà Nội.
Hoạt động chuyên nghiệp với vai trò họa sĩ kiêm nghệ sĩ trình diễn hơn 10 năm nay, Nicolás López không chỉ vẽ và triển lãm, mà còn thường xuyên có những workshop thu hút hàng ngàn người tham gia. Những chuyến đi sáng tác cùng anh cũng rất đắt đỏ.
Việc mời Nicolás tham gia chuỗi hoạt động tại Việt Nam giúp Minh Liên nhận ra có nhiều cách để tổ chức nghệ thuật mang tính trải nghiệm thiết thực hơn là chỉ treo tranh triển lãm.
Những hoạt động này không nhất thiết phải to hay hoành tráng mà nên có nội dung phong phú, mang đến điều mới mẻ và tăng tính trải nghiệm, để khán giả thực sự tham gia vào chứ không chỉ đứng xem và thấy nghệ thuật quá xa vời.
"Sau đại dịch, công chúng ngày càng trân trọng tính trải nghiệm. Có nhiều workshop được tổ chức và các bạn sẵn lòng trả phí tham gia, trân trọng công sức nghệ sĩ và người tổ chức.
Nối tiếp Nicolás, mình sẽ tiếp tục mời các nghệ sĩ tên tuổi khác để tăng danh tiếng của Việt Nam trong mắt nghệ sĩ quốc tế, trở thành nơi để họ khám phá nghệ thuật thay vì chỉ đến du lịch..." - Minh Liên chia sẻ.
Một số hình ảnh tại triển lãm "Ngôn ngữ của nước":
Không chỉ là mối duyên đồng điệu trong tư duy nghệ thuật, triển lãm 'Song hành' của hai họa sĩ Hà Hùng và Hà Bình Nhưỡng còn gợi nên nhiều suy ngẫm về sự song hành của mỹ thuật và ứng dụng, của đưa nghệ thuật vào không gian sống thường ngày.