Thời gian gần đây, ngày càng nhiều tập đoàn vi mạch lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, trong đó có những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ là Intel và Synopsys, hay gần đây nhất là tập đoàn Amkor của Hàn Quốc.
Tại sự kiện Intel Innovation diễn ra vào tháng 9 vừa qua tại Mỹ, CEO của Intel đã gây ấn tượng mạnh khi trình làng mẫu chip 3 nm đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối đa khuôn. Đội ngũ chính tham gia thiết kế và kiểm thử công nghệ này là 150 kỹ sư Việt Nam, hiện làm việc cho tập đoàn Synopsys của Hoa Kỳ.
"Công nghệ này là một công nghệ tối quan trọng trong dự án thiết kế chip, tạo ra một độ phức tạp cũng như tốc độ xử lý, không gian xử lý lớn hơn rất nhiều so với chip truyền thống", ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, cho biết.
Chip càng nhỏ càng tinh vi và khó thiết kế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Circuitworx)
Hiện tại, 75% chip bán dẫn trên thế giới vẫn đang là loại chip kích cỡ 28 nm hoặc to hơn. Chip càng nhỏ càng tinh vi và khó thiết kế. Tại văn phòng Hà Nội của công ty Hàn Quốc, đội ngũ kỹ sư người Việt đã tham gia vào quy trình thiết kế những con chip sử dụng công nghệ tiên tiến, kích cỡ dưới 10 nm.
"Mình cùng team tham gia một dự án cho một khách hàng châu Âu về chip 5 nm cho camera. Nhóm mình tham gia thiết kế và kiểm thử cho con chip đó", anh Bùi Đức Hòa, Kỹ sư thiết kế và kiểm thử vi mạch, Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, cho hay.
Các kỹ sư như Đức Hòa hay Bảo Anh đều có chung nền tảng tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật trong nước và được đào tạo chuyên sâu về thiết kế chip trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài.
Trong năm nay, nhiều trường đại học bắt đầu mở các chương trình đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu 50.000 nhân lực trong 10 năm tới, rất cần các chính sách thu hút sự vào cuộc của các doanh nghiệp.
"Kỹ sư Việt sở hữu các phẩm chất rất đặc trưng của người làm kỹ thuật, như xông xáo, ham học hỏi và làm việc chăm chỉ. Vì vậy, chúng tôi rất sẵn lòng tiếp tục phát triển đội ngũ phát huy hết tiềm năng", ông Robert Li, Phó Chủ tịch Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) khu vực Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Á, nhận định.
Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Các chuyên gia nhận định, nâng cao đồng đều cả chất và lượng của đội ngũ kỹ sư trong nước sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tiếp tục thu hút các "ông lớn" của thế giới về vi mạch bán dẫn.
VTV.vn - Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.98672040281113202-et-couq-mat-nouv-man-teiv-hcam-iv-ek-teiht-us-yk/et-hnik/nv.vtv