Trung Quốc dẫn đầu làn sóng mua vàng
Ông Dominic Frisby, chuyên gia phân tích vàng và người sáng lập tạp chí The Flying Frisby, cho rằng lượng vàng của Trung Quốc được họ tiết lộ chính thức khác xa với thực tế.
Cụ thể, ông cho biết, lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ cao gấp hàng chục lần so với con số được công bố công khai. Ông tiết lộ rằng Trung Quốc đang "bí mật" mua một lượng lớn vàng và lượng vàng nắm giữ của nước này đã nhiều gấp 2 lần Mỹ. Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể cân nhắc sử dụng vàng để hỗ trợ đồng nội tệ.
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), Trung Quốc đang trong giai đoạn mua vàng trên diện rộng. Cụ thể, theo WGC, Trung Quốc đang thống trị thị trường vàng thế giới với hoạt động mua vào rất mạnh. Riêng trong tháng 10 năm nay, Trung Quốc mua thêm 23 tấn, giá trị khoảng 1,5 tỷ USD.
Số liệu mới nhất do chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy Ngân hàng Trung ương nước này trong tháng 10 tiếp tục mua vàng, đánh dấu tháng 12 liên tiếp mua kim loại quý này. Cũng theo WGC, tới cuối tháng 10, Trung Quốc đã mua thêm 204 tấn vàng so với đầu năm và nâng tổng dự trữ vàng lên 2.215 tấn với tổng giá trị hơn 140 tỷ USD.
Nhờ đó, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã trở thành một trong những nước tích trữ vàng lớn nhất và lượng mua vàng của Ngân hàng Trung ương nước này dường như lại lập mức cao kỷ lục mới trong năm nay.
Mặc dù dẫn đầu về lượng vàng tích lũy và nhập khẩu vượt trội từ đầu năm tới nay, nhưng ông Dominic Frisby tiết lộ với Kitco News rằng, lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ thực tế lớn hơn rất nhiều so với con số công bố.
Ông Dominic Frisby cho rằng, Trung Quốc có thể đang nắm giữ 33.000 tấn vàng, tương đương khoảng 2.086 tỷ USD. Con số này cao gấp khoảng 15 lần so với con số mà WGC đưa ra dựa trên những số liệu được chính Trung Quốc công bố.
Theo Frisby, Trung Quốc có tham vọng cực kỳ lớn. Theo chuyên gia này, Trung Quốc là nước sản xuất và nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, nhưng phương châm của quốc gia này là "không được tỏa sáng quá rực rỡ".
Trong thế kỷ này, Trung Quốc đã sản xuất được khoảng 7.000 tấn vàng. "Hơn 50% hoạt động khai thác vàng ở Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước và Trung Quốc không xuất khẩu vàng mà họ khai thác. Do đó, tất cả số vàng khai thác ở Trung Quốc vẫn ở lại Trung Quốc", chuyên gia lý giải.
Về nhập khẩu, không có con số chính xác về số lượng vàng mà Trung Quốc nhập khẩu từ Thụy Sĩ, Dubai hay London, nhưng ông Frisby tin rằng thị trường có thể đưa ra một số ước tính.
Theo đó, Frisby nhấn mạnh về việc có rất nhiều vàng được chuyển tới Trung Quốc thông qua Sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Chuyên gia này khẳng định, có 22.000 tấn vàng đã được rút ra khỏi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải trong thế kỷ này.
Tổng cộng, vị chuyên gia này ước tính Trung Quốc đang nắm giữ ít nhất 33.000 tấn vàng và một nửa trong số đó có thể thuộc sở hữu nhà nước. Số lượng vàng này gấp 4 lần số lượng vàng Mỹ đang có. Bên cạnh đó, có khoảng 4.000 tấn vàng nữa thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc từ năm 2000.
"16.500 tấn là gấp đôi so với Mỹ. Nếu căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, Trung Quốc sẽ biến vàng thành vũ khí hóa", chuyên gia chia sẻ với Kitco News.
Trước đó, đầu tháng 11, Hội đồng vàng Thế giới cho rằng, Trung Quốc đang thống trị thị trường vàng thế giới với hoạt động mua vào rất mạnh. Dự kiến lượng vàng Ngân hàng Trung ương các nước mua ròng trong năm nay đạt mức kỷ lục mới.
Các nước chạy đua mua vàng
Không chỉ Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương nhiều nước khác cũng đẩy mạnh mua vàng trong bối cảnh thế giới bất định, khủng hoảng địa chính trị xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới, thị trường chứng khoán nhiều nước chao đảo. Dòng tiền tìm đến các kênh an toàn, trong đó có đồng USD và vàng.
WGC nâng dự báo cho rằng Ngân hàng Trung ương các nước sẽ thiết lập một kỷ lục mua ròng vàng mới trong năm nay, cao hơn kỷ lục của năm 2022. Trong 10 tháng, các nước đã mua 800 tấn vàng, trị giá gần 51 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2022, các ông lớn này đã mua một lượng vàng kỷ lục 1.135 tấn.
Trên thực tế, từ lâu, vàng luôn được xem là kênh trú bão khi thế giới có nhiều bất ổn. Điều này càng được khẳng định khi đại dịch Covid-19 bùng phát, xung đột Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas gần đây, lạm phát toàn cầu tăng vọt, nợ các nước liên tục tăng cao và hệ thống ngân hàng toàn cầu còn nhiều biến động...
State Street Global Advisors, công ty quản lý tài sản lớn thứ 4 thế giới, mới đây tuyên bố rằng các Ngân hàng Trung ương dự kiến sẽ tiếp tục mua vàng. Công ty cho biết xu hướng mua vàng sẽ tiếp tục khi các quốc gia tìm cách thoát khỏi "sự tập trung quá mức" dự trữ đồng USD.
Chia sẻ với Business Insider, Maxwell Gold, người đứng đầu bộ phận chiến lược vàng của hãng này, cho biết: "Trước những rủi ro kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng hiện nay, nguyên nhân thúc đẩy việc Ngân hàng Trung ương mua vàng là để đa dạng hóa dự trữ, cải thiện bảng cân đối kế toán và đạt được thanh khoản từ các tài sản có ít rủi ro tín dụng trên thị trường".
Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng dự trữ, đồng nhân dân tệ suy yếu, thị trường chứng khoán trong nước ảm đạm và ngành bất động sản gặp khó khăn, cũng khuyến khích người tiêu dùng nước này đổ xô mua vàng thỏi để tích trữ tài sản của họ.
Các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh dự trữ ngoại tệ phi đô la, bao gồm cả lượng vàng thỏi kỷ lục trong bối cảnh đồng USD đang có nguy cơ đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Các giao dịch mua vàng ở Trung Quốc đã được thực hiện theo từng đợt nhỏ. Các giao dịch này đã tăng lên đáng kể trong năm 2022 và dường như đang tăng tốc trong những tháng gần đây.
Ông Chris Devonshire Ellis, Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates, cho rằng nỗ lực dự trữ vàng Trung Quốc được thúc đẩy chủ yếu bởi mục tiêu ổn định kinh tế. Theo ông, Trung Quốc đang muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư và củng cố vững chắc kho dự trữ của nước này. Trong khi đó, dự trữ vàng luôn được đánh giá là một kim loại quý đáng tin cậy trong giai đoạn khủng hoảng.
Giá vàng có thể chạm 3.000 USD/ounce
Thị trường vàng thế giới đã vượt qua mức 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 10 và bitcoin đã chạm mức 38.000 USD vào tuần trước.
Nhìn vào triển vọng thị trường tương lai, các chuyên gia tin rằng giá vàng sẽ có thể lên tới 3.000 USD/ounce vào năm sau và bitcoin sẽ tăng cao, chạm mốc 100.000 USD.
Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Frisby cũng tỏ ra lạc quan về cả 2 loại tài sản này trong năm tới. "Vàng có vẻ đã sẵn sàng tăng giá, với mức giá có thể đạt 2.700 USD/ounce vào năm tới và thậm chí có thể đạt mức 3.000 USD", ông bày tỏ quan điểm.
Nhiều chuyên gia thừa nhận một xu hướng, Trung Quốc có thể xem xét hỗ trợ đồng nhân dân tệ bằng vàng. Đây cũng là một yếu tố có thể đẩy giá vàng chạm mốc 3.000 USD/ounce trong năm 2024.
Cơn sốt mua vàng trên phạm vi toàn cầu khá rõ nét kể từ đầu năm tới nay, được thể hiện ở ngay động thái của các Ngân hàng Trung ương của những thị trường mới nổi.
Trước đó, một số tổ chức cũng dự báo rằng, vàng có thể sớm tăng lên mức kỷ lục 3.300 USD/ounce, tương đương năm 1980, khi lạm phát tăng phi mã do ảnh hưởng của giá dầu và bất ổn ở Trung Đông.
Một số quỹ vàng cũng nhận định, vàng sẽ bước vào một "thị trường giá lên mới", với mức giá vượt quá 2.100 USD/ounce ngay trong năm nay. Thực tế, trong vài phiên gần đây, giá vàng tăng vọt và đang trở lại ngưỡng 2.000 USD/ounce.