Du ngoạn là triển lãm cá nhân thứ hai của Lâm Sơn Thân, trưng bày 36 tác phẩm được anh sáng tác xuyên suốt trong 10 năm từ những chuyến đi phượt.
Anh vẽ các bức họa ở ngoài trời tại nhiều địa danh khác nhau: Nha Trang, Đà Lạt, An Giang, Bhutan…
Triển lãm mở cửa đến ngày 20-11 tại Thi Art Space (Y1 Hồng Lĩnh, cư xá Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP.HCM).
Người cầm cọ mê vẽ ngoài trời
Vốn là giảng viên khoa mỹ thuật đô thị tại Trường đại học Kiến trúc, họa sĩ Lâm Sơn Thân lại có niềm đam mê với việc đi phượt. Với mỗi chuyến đi, cảm xúc của anh như cục pin điện thoại được sạc đầy. Và đó là lúc thích hợp để anh sáng tác.
Anh tâm sự với Tuổi Trẻ Online: “Việc vẽ ngoài trời là một cách để tôi nuôi nhiệt huyết, tạo những hơi thở mới và liên tục trong mạch sáng tác của mình”.
Dưới góc nhìn của người họa sĩ, mỗi địa phương và con người nơi đó đều mang một màu sắc khác nhau.
Chuyến đi đến Bhutan và sáng tác bức họa Tiger’s Nest là một kỷ niệm khó phai của anh. Tiger’s Nest (tức "Hang Hổ") là công trình kiến trúc Phật giáo linh thiêng của đất nước Bhutan. Tu viện nằm trên một vách núi đá hiểm trở ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển.
“Đây là một nơi có sự thách thức với người muốn chiêm ngưỡng. Vì dốc núi cheo leo và có người cũng bị té trong quá trình di chuyển”, họa sĩ cho biết.
Khi họa sĩ leo núi để đến tu viện thì trời mưa rất to. Nhưng anh vẫn thấy có những người 70 tuổi vẫn quyết tâm leo núi để lên đến nơi chiêm ngưỡng. Điều này đã truyền cảm hứng cho anh vẽ Tiger’s Nest. Bức tranh được anh ký họa trực tiếp và sau đó đem về vẽ lại hoàn chỉnh.
Ở Tuyệt Tình Cốc (Đà Lạt), hành trình phượt và sáng tác của Lâm Sơn Thân cũng không kém phần trắc trở. Anh đi nhờ xe của một người địa phương.
“Đường đi lúc ấy rất hiểm trở vì đã bị phá. Tôi là người say xe nặng nên đầu óc xây xẩm. Trước mắt tôi, mọi thứ đều mất màu hết, tất cả đều mờ nhạt”, anh nhớ lại.
Người họa sĩ đã vẽ nên Tuyệt Tình Cốc trong 2 tiếng. Dù vừa nôn vì bị say xe nhưng anh vẫn vẽ. Đó là cách anh tôn trọng cảm xúc sáng tác của chính mình.
Anh chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi vẽ ngoài trời là thời tiết thất thường.
Có lần anh vào rừng sáng tác. Họa sĩ đang sáng tác cao hứng thì tự nhiên trời đổ mưa. Cả người và tranh đều ướt hết.
Ngoài ra, anh cũng phải mang theo nhiều dụng cụ vẽ nên vận chuyển khá khó khăn. “Nhiều khi tôi đã vẽ xong tại nơi đó. Nhưng khi mang về thì tranh lại bị hư”.
Thiên nhiên là nguồn năng lượng tươi mới của Lâm Sơn Thân
Tranh của Lâm Sơn Thân trong Du ngoạn đều tái hiện phong cảnh từ những địa phương anh đi qua. Với anh, thiên nhiên như một người thầy của người cầm cọ. Nó cho anh nguồn năng lượng tươi mới để sáng tác mỗi ngày.
“Khi bạn cảm thấy mất niềm tin với cuộc sống thì hãy tìm đến thiên nhiên. Nó sẽ cho bạn thấy chính xác những gì mình suy nghĩ.
Nhiều khi bị ngộ nhận và bỏ quên đi những thứ đẹp đẽ xung quanh thì thiên nhiên giúp bạn điềm tĩnh lại và nhìn thấy mọi thứ tốt đẹp hơn”, họa sĩ trẻ giãi bày.
Họa sĩ Lâm Sơn Thân theo đuổi trường phái trừu tượng. Tuy nhiên, trong các tác phẩm được trưng bày có sự pha trộn giữa trừu tượng và ấn tượng nên người xem vẫn có thể nhìn ra được mây núi, sông trời, cây cối.
Anh vẽ ít nhất 5 tác phẩm trong một chuyến đi. Mỗi bức tranh được anh vẽ trong 1 ngày vì sáng tác ngoài trời không cho phép lâu hơn. Tác phẩm sẽ được anh vận chuyển về bằng xe riêng 16 chỗ.
Đồng hành trong mỗi chuyến vừa đi vừa vẽ của anh là vợ, cùng một vài người bạn. Năm nào người họa sĩ cũng đi, có khi đi nhiều lần, nên anh luôn chuẩn bị sẵn sàng về sức khỏe, vật chất lẫn tinh thần.
Triển lãm 'Đan Sắc' là hành trình người trẻ khẳng định bản sắc cá nhân thông qua các chất liệu văn hóa dân gian. Mỗi chất liệu đại diện cho một tính cách: mềm mại của lụa, bền bỉ của tre và linh hoạt của sen.