Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn ủng hộ việc siết chặt việc kiểm tra nồng độ cồn nhưng mong muốn kinh tế bớt khó khăn để không phải sa thải thêm người.
Tăng đầu tư vẫn vắng khách
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-11, ông Trần Quốc Thịnh, người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (TP.HCM), cho biết dù hệ thống này đã đầu tư để có nhiều món ăn hơn, giá bán đang tốt hơn năm ngoái với phổ biến từ 30.000 - 370.000 đồng/món tùy loại, nhưng doanh thu tại mỗi điểm bán lại giảm đến 40 - 50% so với lúc ổn định.
Đặc biệt, lượng tiêu thụ bia rượu giảm đến 80 - 90% so với trước dịch COVID-19.
Theo ông Thịnh, trước tình hình trên, hệ thống bắt buộc phải cơ cấu lại theo hướng tinh gọn hơn, cắt giảm mạnh nhân sự, cắt giảm hết các chi phí không cần thiết.
Từ 16 chi nhánh trước đó ở TP.HCM, hệ thống đã giảm còn 7. Số lao động từ 850 người trước đây hiện giảm còn hơn 300 người, trong đó hơn 50% nhân sự là nhân viên bán thời gian.
"Trừ những vị trí bắt buộc phải là nhân viên cơ hữu như bếp, kế toán..., còn lại các vị trí như nhân viên bán hàng, bảo vệ đều xem xét tuyển lao động làm việc bán thời gian, chỉ làm vào thời gian cao điểm để giảm chi phí", ông Thịnh nói.
Ngoài ra, để giữ giá bán ở mức tốt, đơn vị chỉ ưu tiên làm việc với nhà cung cấp nguyên liệu, bia rượu có giá bán cạnh tranh, có nhiều chương trình ưu đãi, cho kéo dài thời gian công nợ...
Về chương trình tiếp thị tại quán, tăng cường khuyến mãi như mua các gói "combo" được giảm giá, uống 10 chai bia được tặng 1-2 chai, làm lại menu mới theo hướng đa dạng món ăn giá tốt...
"Thời điểm kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên buộc phải tìm mọi cách để giảm chi phí đầu vào, giữ giá bán đầu ra ở mức tốt thì mới mong có khách để sống qua ngày, nếu tăng giá bán sẽ dễ "chết" sớm", ông Thịnh nói thêm.
Tương tự, là chủ của một hệ thống nhà hàng 10 điểm bán trong năm 2022 đến nay ông Bùi Quang Dũng (TP.HCM) sau thời gian lao đao vì nhiều điểm bán liên tục thu không đủ chi nên buộc phải cắt giảm, nay chỉ còn bốn điểm bán. Nhân viên chỉ còn hơn 250 người, giảm hơn 60% so với đầu năm 2022.
"Bia rượu thường chiếm 40 - 50% tổng doanh thu nhưng nay lại sụt giảm mạnh, trong khi tiền thuê mặt bằng không giảm, quá khó khăn nên từ 5 tháng qua tôi liên tục đóng cửa các điểm bán có chi phí cao, chỉ ưu tiên giữ lại những điểm còn "thoi thóp" được", ông Dũng nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện khu du lịch Bình Quới xác nhận lượng khách đến giảm nhiều so với các năm trước dịch, nhất là khách đến nhà hàng, tiệc buffet... giảm 50 - 60% so với thời điểm ăn nên làm ra.
"Những năm trước, vào tuần cao điểm, tiệc buffet thu hút cả ngàn người, đặt trễ không còn chỗ. Nhưng năm nay vắng hẳn. Nếu trước tổ chức tiệc buffet ba ngày/tuần, mỗi ngày hai suất, nay chỉ tổ chức hai ngày cuối tuần, mỗi ngày chỉ một suất nhưng cũng khá èo uột", đại diện đơn vị này nói.
Nhiều ngành bị ảnh hưởng
Ông Nguyễn Công Quyết, đại diện nhà hàng bò tơ Tây Ninh Năm Sánh cho biết bia rượu chiếm phần lớn trong tổng doanh thu, nhưng do nay tiêu thụ mặt hàng này giảm, doanh thu của nhà hàng cũng giảm 50 - 60% so với thời điểm ổn định.
Không chỉ sa thải người, các nhà hàng, quán ăn khó khăn sẽ ảnh hưởng lên cả chuỗi cung cấp, thậm chí tới cả nông dân. Như ông Quyết cho hay nhà hàng phải cắt giảm nhập các nguyên liệu như thịt bò, rau củ... "Số lượng nhà hàng của đơn vị tại TP.HCM hiện chỉ còn 5-6 cái, giảm mạnh so với hàng chục cái lúc cao điểm", ông cho hay.
Nhiều điểm kinh doanh ăn uống khác cho biết tỉ lệ lợi nhuận 10 - 15% hiện nay gần như không có, mà chủ yếu chỉ còn được khoảng 3-4%, không tính toán kỹ là lỗ.
"Nhà nước cần sớm có giải pháp đồng bộ để vực dậy nền kinh tế để người dân có thu nhập thì mới kích thích được tiêu dùng. Nếu không, tình trạng khó khăn hiện nay có thể kéo dài", một chủ nhà hàng lo lắng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết hiện sức mua với nhiều mặt hàng ở kênh bán sỉ như thực phẩm; hóa phẩm như nước rửa chén, lau sàn... đang chậm hơn hẳn mọi năm, đặc biệt ở khối khách hàng nhà hàng, bếp ăn.
"Kinh doanh khó, công nhân nghỉ nhiều nên các bếp ăn công nghiệp giảm công suất" - vị này lý giải và cho hay đơn vị đang phải tìm nhiều phương án để giữ giá bán ở mức tốt, đồng thời tăng cường khâu tiếp thị nhằm kiếm khách hàng mới.
Trong khi đó, đại diện một chuỗi siêu thị lớn tại TP.HCM cho biết sức mua của khối khách hàng sỉ (chủ yếu nhà hàng, khách sạn) từ đầu năm đến nay giảm 30 - 35% so với trước dịch COVID-19, trong đó sức mua với nhóm sản phẩm thực phẩm thiết yếu như rau, thịt, cá... giảm đều các tháng qua.
"Giá bán dù giữ ổn định, thậm chí nhiều sản phẩm bia, đồ uống giải khát, thịt... nhiều lúc giá tốt hơn năm ngoái, thường xuyên khuyến mãi nhưng vẫn không kích thích được sức mua khối khách sỉ", vị này thông tin.
Nhà hàng phải tính làm thêm
Theo ông Bùi Quang Dũng, mỗi mặt bằng ông thuê hiện có giá phổ biến 50 - 200 triệu đồng/tháng, đây là một gánh nặng trong thời điểm khó khăn hiện nay. Vì vậy, ngoài bán quán, để kiếm thêm doanh thu và tận dụng kho bãi cũng như nhân sự, đơn vị hiện chấp nhận làm thêm khâu gia công thực phẩm cho các chuỗi bán lẻ, dù lợi nhuận khá thấp.
Dịch vụ "Bạn say tôi lái" giảm khách
Đại diện các hãng xe công nghệ như Gojek, Grab, Be cho biết thường xuyên triển khai chiến dịch marketing, tung khuyến mãi với khách hàng ăn nhậu đặt xe qua app thay vì tự lái xe.
Gojek còn lắp loạt trụ chờ tại một số nhà hàng, quán nhậu. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi các trụ chờ đi vào hoạt động, Gojek đã ghi nhận lượng người dùng đặt xe đến và từ các điểm có đặt trụ chờ tăng đến 70%.
Thời gian qua có dịch vụ "Bạn say tôi lái" với ô tô được nhiều người đi nhậu hay áp dụng để có người chở về, chi phí 200.000 - 500.000 đồng/lần.
Tuy nhiên, dịch vụ này nở rộ một thời gian sau đó giảm dần. Theo ghi nhận, ít khách sử dụng vì số người đi nhậu giảm, đồng thời lo ngại say bị lấy tài sản, giao xe cho người khác lái bị va quẹt, lái xe không biết đường đi...
Các quán nhậu ở TP.HCM đang trải qua những ngày khó khăn khi doanh số giảm sút, khách hàng đến ăn uống thưa thớt. Nguyên nhân chủ yếu được cho là áp dụng nghiêm quy định đo nồng độ cồn khi lái xe, cùng với tình hình kinh tế khó khăn.