Những kẻ tổ chức cờ bạc online đã nghĩ ra chiêu trò đỏ đen lợi dụng chính các giao dịch của người dùng qua ví điện tử, ứng dụng ngân hàng hòng dễ dàng thu hút người chơi. Không ít người từ chơi vui đã lao vào vòng xoáy cờ bạc...
Đỏ đen bằng mã số giao dịch
Trên một nhóm Facebook có tên "Chẵn lẻ MoMo và chẵn lẻ Zalo" với hơn 11.000 thành viên liên tục xuất hiện những bài viết mời gọi người chơi với nhiều ưu đãi hấp dẫn. "Thanh toán 5s (5 giây - pv)", "Xanh chín", "Uy tín" là những lời tự giới thiệu của nhóm này kèm theo lời mời mọc "không chơi hơi phí".
Hình thức đỏ đen được giới thiệu qua các bài viết gồm: chẵn lẻ, tài xỉu, tổng ba số, nổ hũ trả thưởng... thông qua mã giao dịch trên ví điện tử MoMo hoặc ZaloPay.
Cách chơi đơn giản là người dùng chuyển tiền đánh cược đến địa chỉ ví của "ban tổ chức" kèm theo nội dung chuyển tiền là loại hình cược như chẵn - lẻ (C-L), tài - xỉu (T-X)...
Kết quả thắng thua sẽ căn cứ vào mã giao dịch được trả về ngay sau khi người chơi chuyển tiền thành công. Nếu kết quả đúng với dự đoán trước đó của người chơi, họ sẽ thắng và được trả thưởng. Ngược lại, họ sẽ mất luôn số tiền đã cược...
"Ban tổ chức" còn sẵn sàng liên hệ để hướng dẫn hoặc tạo cả trang chủ để người chơi chủ động truy cập theo địa chỉ web cho sẵn hoặc trên ứng dụng Telegram.
Tìm vào các hội nhóm, phóng viên nhận thấy phong trào bài bạc này đang bị đẩy lên rất mạnh. Anh N. (TP.HCM), một người tham gia chơi, cho hay lý do tham gia vì được quảng bá mạnh: mấy tháng trước lướt video trên mạng tôi tình cờ thấy quảng cáo về trò đỏ đen này. Sau đó lại thấy có một số YouTuber cũng quảng cáo.
"Trò chơi khá đơn giản và có kết quả ngay lập tức nên tôi có tham gia chơi vài chục nghìn đồng cho vui. Tuy nhiên, khi vô các hội nhóm lại thấy rất nhiều người chơi với số tiền đến cả triệu đồng, với tần suất nhiều lần mỗi ngày", anh N. tiết lộ.
Theo ghi nhận của phóng viên, có rất nhiều hội nhóm trên các ứng dụng Facebook, Telegram và các trang web cung cấp dịch vụ đỏ đen dựa trên mã số giao dịch giữa các ví điện tử như clmm, clzl, chanlemomo, zalopay...
Các trang web clzl, clmm còn chỉ cách tránh bị ví điện tử nghi vấn. Chẳng hạn, người chơi cược 1 triệu đồng, nếu chọn số lẻ họ sẽ phải chuyển khoản số tiền 1.000.011 đồng, nếu chọn số chẵn phải chuyển 1.000.012 đồng, và không cần ghi thông tin gì trong phần nội dung giao dịch.
Số tiền cược mỗi lần được quy định thấp nhất từ 10.000 đồng và tối đa 5 triệu đồng. Mỗi tài khoản ví điện tử có thể cược đến 200 lần/ngày...
Các trang web này còn có cả bảng thống kê thành tích những người chơi đã chiến thắng nhiều nhất trong ngày. Những người này đều thắng tổng số tiền từ hơn 1 triệu đồng, cũng đồng nghĩa họ đã bỏ ra tiền cược hơn 1 triệu đồng.
Nếu làm một phép tính đơn giản, mỗi ngày có chừng 1.000 người chơi, tổng số tiền giao dịch trên các "chiếu bạc đỏ đen" này đã hơn 1 tỉ đồng.
Tất nhiên con số thực tế cao hơn gấp nhiều lần. Để thu hút ngày càng nhiều người chơi, ngoài quảng cáo khắp nơi, các "nhà cái" còn bày ra nhiều giải thưởng như tặng tiền để bắt đầu, có mã khuyến mãi, trả thưởng đặc biệt cho những mã giao dịch có số đặc biệt (tứ quý, ngũ quý...).
Với các chiêu này, "nhà cái" không chỉ thu hút người chơi mà còn dễ dàng kéo người chơi sang nhiều loại game bài, cá cược khác trên mạng khi những con bạc "say máu"...
Lợi dụng thanh toán không tiền mặt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, thừa nhận các ngân hàng và ví điện tử có số lượng người dùng nhiều, trong đó có MoMo đang bị lạm dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
"Chúng sử dụng số lượng lớn tài khoản chính chủ thông qua mua bán hoặc giả mạo danh tính, đồng thời sử dụng thiết bị giả lập ứng dụng ngân hàng, ví điện tử trên máy tính để tự động nhận tiền cược, quét mã giao dịch và trả thưởng cho người chơi", ông Diệp nói.
Về việc mã giao dịch bị lợi dụng vào trò cá cược đỏ đen, ông Diệp công nhận: "Đây là một vấn đề rất thách thức vì các đối tượng tội phạm dựa vào mã giao dịch chuyển tiền của ví điện tử để đánh bạc, nếu hủy bỏ thì không thể phân biệt các loại giao dịch, không thể thực hiện tra soát giao dịch trên toàn bộ hệ thống".
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhận định tội phạm mạng đã lợi dụng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến và dễ dàng tại Việt Nam. Các đối tượng phạm tội có kiến thức, trình độ công nghệ cao, các hình thức cờ bạc mới liên tục xuất hiện.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp ví điện tử, ngân hàng lại không có thẩm quyền và chuyên môn trong việc xác minh, phòng chống tội phạm. Đó là chưa kể thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng người dân cho đối tượng vi phạm thuê, mượn danh tính, giấy tờ để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử...
Chính người dân cần phải tự "đề kháng" trước những mời mọc đánh bạc vì rất nhiều người vướng vào cờ bạc, kể cả cờ bạc trên mạng đã tán gia bại sản. Hình thức mới có thể đơn giản và số tiền ban đầu không quá lớn. Tuy nhiên, không ít người đã mất cả trăm triệu đồng, thậm chí lớn hơn.
Đặc biệt, ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, cảnh báo: "Không chỉ bị dẫn dụ tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, người dùng rất dễ bị lừa để cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, thậm chí là cài đặt các app giả mạo. Từ đó, họ có nguy cơ bị theo dõi, lấy cắp thông tin nhạy cảm trên điện thoại, chiếm quyền điều khiển điện thoại từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng".
Nhiều thủ thuật để "nhà cái" luôn lời
Mặc dù quảng cáo và cách chơi cho thấy người chơi có tỉ lệ thắng rất cao, đến 50% mỗi lần cược và số tiền ăn gấp 1,95 - 2,35 tiền cược, nhưng kết quả thực tế "nhà cái" luôn hốt bạc.
Chẳng hạn, trong cách chơi chẵn lẻ một số, "nhà cái" quy định số lẻ là 1, 3, 5, 7 và số chẵn là 2, 4, 6, 8. Nhưng nếu kết quả ra số 0 hoặc số 9 là người chơi thua. Người chơi cũng mặc nhiên thua nếu đặt sai lệnh theo cú pháp. Một số "nhà cái" còn có định mức chơi từ 20.000 đồng đến 3 triệu đồng, nếu cược ngoài giới hạn trên cũng bị xem như thua.
Đặc biệt, theo phân tích của một chuyên gia (đề nghị không nêu tên), một người chơi có tổng số lượt từ 50 trở lên có xác suất lỗ rất cao dù có số lần thắng thua ngang nhau. Người chơi càng nhiều, số tiền lỗ cũng lớn hơn. Người chơi càng "khát máu", "nhà cái" càng hốt bạc.
Hàng vạn giao dịch/ngày
Cuối tháng 10-2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang công bố hoàn tất kết luận điều tra vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua ví điện tử với quy mô đến 2.800 tỉ đồng.
Trước đó, công an tỉnh này phát hiện trên website clmm.me và clmmz.me sử dụng mã giao dịch chuyển tiền qua tài khoản của ví điện tử Momo để tổ chức và thực hiện đánh bạc. Theo kết quả điều tra, các đối tượng cầm đầu còn thuê các chủ kênh YouTube nổi tiếng để quảng cáo, thuê nhiều người chăm sóc khách hàng...
Theo cơ quan chức năng, các đối tượng trong đường dây này đã sử dụng khoảng 7.000 tài khoản ví điện tử MoMo rác khác nhau để tổ chức đánh bạc.
Dịch vụ đỏ đen này đã thu hút hàng chục nghìn người, mỗi ngày thực hiện từ 10.000 - 50.000 giao dịch, số tiền đánh bạc từ 1-3 tỉ đồng. Hơn 71.000 tài khoản ví điện tử đã tham gia đánh bạc.
Khuôn mặt khi chuyển tiền và khuôn mặt lưu trong con chip của căn cước công dân gắn chip phải là một. Biện pháp này sẽ ngăn chặn tình trạng thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, lừa đảo như thời gian qua.