Kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, nhờ sự phục hồi của xuất khẩu và các ngành sản xuất. Ảnh: Đức Thanh
Mục tiêu tham vọng
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 chính thức được Quốc hội quyết nghị, trong đó, một trong những mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng GDP đạt khoảng 6-6,5%. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức khó lường.
Thực tế, khi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2024 được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng, mục tiêu này là khá cao, chỉ nên đặt ở mức 5-6%, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, năm 2023 tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt trên 5%.
Tuy vậy, trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 được đưa ra dựa trên cơ sở tính tới các yếu tố thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế và cả dựa trên mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
“Mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024 quả thật là mục tiêu đầy thách thức. Bởi lẽ, các dự báo của nhiều định chế quốc tế gần đây cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là khi xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong bối cảnh đó, vẫn có những dự báo trái chiều về kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây thậm chí còn cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ chỉ đạt khoảng 2,9%, thấp hơn mức 3% của năm nay.
Những “cơn gió ngược” đó được cho là tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Đó là một trong những lý do khiến WB mặc dù cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong 2 năm tới, song cũng chỉ đưa ra con số khiêm tốn 5,5% trong năm 2024 và khoảng 6% trong năm 2025 - thấp hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội Việt Nam vừa quyết nghị.
Ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mặc dù xếp Việt Nam vào top 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới vào năm 2024, cũng chỉ dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025.
Theo IMF, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động do sự sụt giảm nhu cầu từ bên ngoài, song các dấu hiệu của sự phục hồi đã có, bao gồm cả trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản hay ngành tài chính .
Trong khi đó, VinaCapital có dự báo khá lạc quan khi cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, nhờ sự phục hồi của xuất khẩu và các ngành sản xuất.
Những dự báo khác nhau cho thấy, yếu tố bất định của nền kinh tế còn lớn. Dẫu vậy, điều này cũng cho thấy, mặc dù mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm tới đầy thách thức, nhưng không phải là bất khả thi.
Tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% là một trong những mục tiêu hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 chính thức được Quốc hội quyết nghị. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Thanh Huyền |
Sẵn sàng cho kịch bản kinh tế 2024
Sau khi Quốc hội thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ bắt tay vào việc chuẩn bị thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Sẽ có các kịch bản kinh tế được xây dựng và kèm theo đó là các giải pháp thực hiện.
Khi những biện pháp cải cách được thực hiện, Việt Nam sẽ vượt qua được những “cơn gió ngược” ngắn hạn và sẽ duy trì được động lực tăng trưởng trong trung hạn, dựa trên sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài.
- Ông Shanaka Peiris, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu khu vực thuộc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF
Trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2024, có 12 nhóm giải pháp được đưa ra. Điều quan trọng là hiện thực hóa các nhóm giải pháp này như thế nào?
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bao gồm đầu tư , tiêu dùng , xuất khẩu tiếp tục được nhấn mạnh. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright), năm tới, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5-7%, khác với xu hướng tăng trưởng âm trong năm nay. Vì thế, đây sẽ là động lực tăng trưởng đầu tiên của nền kinh tế.
Nhưng không chỉ là xuất khẩu, theo ông Nguyễn Xuân Thành, đầu tư công cũng là một động lực quan trọng. Nhắc tới tác động của đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, trong quý IV năm nay, đầu tư công được tăng tốc giải ngân và điều này sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Quốc hội, khi thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2024, cũng đã nhấn mạnh việc Chính phủ phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, nhất là đối với các dự án trọng điểm.
“Xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến lao động khu công nghiệp quay trở lại, qua đó thúc đẩy tiêu dùng”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Tiêu dùng nội địa cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Cùng với sự phục hồi của khu vực du lịch, dịch vụ, với kỳ vọng năm 2024, du khách quốc tế sẽ quay trở lại nhiều hơn, dư luận đang tiếp tục chờ đợi các giải pháp như tăng lương, miễn giảm thuế phí, trong đó có giảm 2% thuế VAT… Các biện pháp này cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy động lực tăng trưởng thứ ba của nền kinh tế.
Ở góc độ khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt kỳ vọng vào các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…
Theo Bộ trưởng, cần tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, hình thành hệ sinh thái chip, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao…, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả trong trung và dài hạn.