Phối cảnh một đoạn Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Tín hiệu thuận
UBND tỉnh Bình Phước - cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đã nhận được sự đồng thuận quan trọng từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Trong Công văn số 12828/BGTVT-CĐCTVN gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vào đầu tuần này, Bộ GTVT đã đưa ra quan điểm về Dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến thẩm định của các bộ, ngành, địa phương có tuyến cao tốc đi qua, UBND tỉnh Bình Phước đã tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định về nội dung Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Ngày 10/11/2023, Hội đồng Thẩm định nhà nước đã có Báo cáo số 9460/BC- HĐTĐNN về kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Phước đã tiếp thu Báo cáo kết quả thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Căn cứ Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án sau khi hoàn chỉnh theo Báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định nhà nước, ý kiến chỉ đạo Thủ tướng, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước xây dựng Dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, kèm theo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư của Dự án.
Ngày 12/11, UBND tỉnh Bình Phước đã có Công văn số 4086/UBND-TH đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét thông qua 2 dự thảo tờ trình của Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
“Bộ GTVT thống nhất với nội dung của 2 dự thảo về chủ trương đầu tư của Dự án gửi kèm theo Văn bản số 4086/UBND-TH ngày 12/11/2023 của UBND tỉnh Bình Phước”, Công văn số 12828 của Bộ GTVT nêu rõ.
Theo phương án đề xuất mới nhất, Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng chiều dài gần 129 km đi qua 2 tỉnh Đắk Nông (gần 28 km) và Bình Phước (101 km).
Trong giai đoạn I, phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông này sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m (riêng đoạn qua TP. Đồng Xoài nền đường rộng 25,5 m), tốc độ thiết kế 100-120 km/h, tùy điều kiện địa hình.
Với quy mô đầu tư như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành giai đoạn I khoảng 25.540 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, theo đề xuất mới nhất, vốn ngân sách trung ương sẽ tham gia Dự án hơn 10.500 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư), phần còn lại do nhà đầu tư thu xếp.
Áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro
Tại Dự thảo tờ trình của Chính phủ, nhiều thông số quan trọng của Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành giai đoạn I đã được minh định, sau khi đơn vị chuẩn bị đầu tư tiếp thu các kiến nghị của Hội đồng Thẩm định nhà nước.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023-2024; công tác bồi thường, tái định cư thực hiện trong năm 2024; thời gian thi công dự án từ cuối năm 2024, hoàn thành năm 2026.
Cụ thể, để thuận lợi cho công tác triển khai, Dự án được phân chia làm 5 dự án thành phần, trong đó 2 dự án thành phần 4, 5 là các dự án giải phóng mặt bằng; Dự án thành phần 2 - Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Đắk Nông do UBND tỉnh Đắk Nông làm chủ quản đầu tư; Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc địa phận tỉnh Bình Phước do UBND tỉnh Bình Phước làm chủ quản đầu tư. Cả 4 dự án nói trên thực hiện bằng vốn đầu tư công.
Theo phương án đề xuất, công tác giải phóng mặt bằng dự án sẽ được thực hiện một lần theo quy hoạch được duyệt (6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 32,25 m). Sơ bộ, tổng diện tích đất chiếm dụng hơn 1.100 ha (tỉnh Đắk Nông khoảng 261 ha, tỉnh Bình Phước khoảng 850 ha). Có hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng.
Điểm nhấn quan trọng nhất tại Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành giai đoạn I là Dự án thành phần 1 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức PPP, với chi phí khoảng 19.612 tỷ đồng, gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 6.842 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư là 12.770 tỷ đồng. Cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án thành phần 1 dự kiến là UBND tỉnh Bình Phước.
Với mức phí khởi điểm là 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km; lãi suất vốn vay trong thời gian xây dựng là 10,7%; lãi suất vốn vay trong thời gian khai thác là 10,7% và lợi nhuận kỳ vọng vốn chủ sở hữu là 11,77%, Dự án thành phần 1 triển khai theo phương thức PPP có thời gian thu phí hoàn vốn là 18 năm 1 tháng.
“Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, Dự án cần được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư PPP. Nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần giảm doanh thu lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đề xuất.