Nhiều bạn trẻ bất chấp nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe để tham gia những thử thách này. Các bác sĩ cho hay với những phần ăn có khối lượng thức ăn "khổng lồ" vượt quá nhu cầu tiêu hóa so với bình thường sẽ dễ gây sốc, hệ lụy xấu với sức khỏe.
Ăn càng nhiều, giải thưởng càng lớn
Gần đây xuất hiện hàng loạt video của nhiều hàng quán khác nhau khuyến khích giới trẻ tham gia thử thách phần ăn "khổng lồ" để lấy giải thưởng lớn. Đặc biệt là nhiều video ngắn thu hút được hàng nghìn lượt xem, bình luận từ người xem.
Trong một đoạn video quảng cáo của một quán bún chả sứa tại TP.HCM với thử thách ăn tô bún khổng lồ thu hút sự tham gia của rất nhiều người. Thử thách quán này đưa ra là phải ăn hết tô bún sứa khổng lồ gồm 1kg bún và 1,2kg đồ ăn kèm nước lèo trong 40 phút, người chơi sẽ nhận về 1,3 triệu đồng tiền thưởng.
Nếu không hoàn thành thử thách, người chơi sẽ trả lại quán 300.000 đồng. Thử thách còn tăng độ khó khi ăn hết hai tô bún như trên (mỗi tô có trọng lượng thực phẩm kèm nước lèo dự kiến tổng cân nặng tầm 3 ký), người chơi sẽ mang về 30 triệu đồng.
Hoặc một quán khác đưa ra thử thách nếu ăn hết tô bún riêu khổng lồ gồm 2 mẹt thịt gà sẽ nhận 1,3 triệu đồng trong vòng 30 phút, 2 mẹt gà trong vòng 60 phút sẽ mang về 5 triệu tiền thưởng; thử thách uống 5 lít trà sữa nhận thưởng 2 triệu đồng, thử thách ăn 10kg cơm cà ri khổng lồ trong vòng 45 phút nhận đến 50 triệu đồng...
Trong quá trình ăn uống, người chơi phải tự mình ăn, không được nhờ người khác ăn hộ, không được đi vệ sinh, không sử dụng chiêu trò... Tại một số hàng quán, người chơi còn phải ký cam kết trước khi tham gia để đảm bảo an toàn, dừng lại đúng lúc. Ngược lại, nếu không hoàn thành được thử thách, người chơi buộc phải nộp lại số tiền phạt cho hàng quán.
Tài khoản TikToker có tên T.Q. cho biết bản thân đã từng tham gia một số thử thách trên và thành công nhận thưởng với mẹt bún khổng lồ. Tuy nhiên, T.Q cũng nói: "Những người cảm thấy có thể ăn thử sức thì có thể tham gia nhưng không nên ép bản thân vì có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe".
Coi chừng viêm tụy cấp, bệnh dạ dày
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Quốc Cường - phó trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho hay khi tham gia thử thách ăn phần ăn khổng lồ, điều đầu tiên là dễ bị đau dạ dày. Con người có thể tích dạ dày chứa một lượng thức ăn, nước uống nhất định. Khi ăn, uống một lượng thức ăn quá nhiều trong một khoảng thời gian hạn chế để tham gia thử thách là một điều hết sức nguy hiểm.
Khi dạ dày bị giãn ra, thức ăn có thể tiêu hóa không kịp dẫn đến chúng đi ngược từ dạ dày lên thực quản mà dạ dày có các chất giúp tiêu hóa thức ăn, còn thực quản thì không. Do đó trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra tình trạng viêm thực quản, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Ngoài ra, ăn uống quá mức bình thường còn có nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa, viêm tụy cấp.
"Việc tổ chức thử thách ăn uống quá nhiều như thế chỉ góp phần thu hút người tham gia, tăng độ nổi tiếng cho quán. Ngoài số ít người chơi có sức ăn lớn thắng giải, còn lại rất nhiều trường hợp thất bại, họ vừa mất tiền vừa chịu ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu nghiêm trọng phải được đưa đến bệnh viện nội soi, thăm khám, vừa mất sức vừa tốn thêm tiền" - TS Cường nhấn mạnh.
Bác sĩ CKI Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết việc tiêu thụ thức ăn quá nhiều trong thời gian dài và chứa nhiều dầu, mỡ, gia vị cay, nóng có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, béo phì, mỡ máu, các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường type 2, bệnh mạn tính không lây về sau.
"Dạ dày được coi là cái túi chứa thức ăn bằng cơ trơn có khả năng phình giãn cực kỳ lớn. Khi ăn lượng lớn thức ăn trong thời gian dài sẽ làm căng giãn dạ dày quá mức. Mặt khác thức ăn lưu giữ trong dạ dày chỉ khoảng 4 giờ, do vậy nếu bị căng giãn quá mức, khả năng nhào trộn kém sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về tiêu hóa: đau bụng, viêm dạ dày - ruột cấp tính, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đại tiện phân sống", bác sĩ Hiếu cho hay.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạn tính không nên tham gia hoặc nên hạn chế việc xem những video tiêu thụ lượng thức ăn lớn trong thời gian ngắn. Vì lý do gì đó muốn tham gia, phải tham khảo ý kiến của các bác sĩ để phù hợp với bệnh lý của mình.
Mỗi bữa nên ăn bao nhiêu là đủ?
Bác sĩ Trần Thị Hiếu cho biết người Việt Nam cao khoảng 1,60m nên ăn 1 chén cơm/bữa, tương đương 150 - 180 gam để đảm bảo lượng tinh bột cho não và cơ thể hoạt động. Ăn quá ít tinh bột sẽ làm cơ thể uể oải, mau quên, khó tập trung, chóng mặt đau đầu... ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày.
Mỗi người nên dùng lượng cơm trung bình từ 350 - 400 gam/ngày. Chế độ ăn này có thể áp dụng đối với người đái tháo đường hoặc những người trên 30 tuổi dư cân hay béo bụng. Nếu ăn nhiều cơm nhưng tập thể dục, thể thao, vận động tốt, có lối sống lành mạnh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Quân y 175, cũng nhận định những người bình thường ăn nhiều để nhận thưởng thì lại rất nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, giãn bao tử, ảnh hưởng đến tiêu hóa.
TTO - Sau bữa tiệc thịnh soạn, uống nhiều rượu bia, nhiều người có biểu hiện đau bụng, nôn ói kéo dài với mức độ ngày càng dữ dội, phải nhập viện cấp cứu.