Viêm gan B sơ sinh là mũi tiêm quan trọng đầu đời, giúp trẻ phòng ngừa nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ, có tác dụng hữu hiệu trong việc phòng căn bệnh nguy hiểm mà khá phổ biến ở Việt Nam.
Trẻ lỡ mũi tiêm đầu đời
Trước đây mỗi ngày phòng tiêm chủng của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hưng Yên có 40-50 trẻ chích ngừa vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh. Nhưng những ngày này hàng ghế chờ trống trơn. Vắc xin viêm gan B đã hết từ cuối tháng 10, khiến việc chích ngừa mũi vắc xin đầu đời cho trẻ bị gián đoạn.
Bác sĩ Vũ Thị Bích Việt - phụ trách khoa khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên - cho biết: "Các bác sĩ đều khuyên gia đình khi về nhà thì đưa trẻ đi chích ngừa ngay, tốt nhất là trong 7 ngày sau sinh".
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hữu, phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên - cho biết: "Nhiều năm qua, bệnh viện luôn đạt tỉ lệ chích ngừa vắc xin viêm gan B sơ sinh cao ở khu vực miền Bắc. Thế nhưng do nguồn cung vắc xin gián đoạn nên việc chích ngừa bị gián đoạn theo".
Bác sĩ cũng rất lấy làm tiếc vì không thể chích ngừa mũi vắc xin quan trọng này cho trẻ. Bệnh viện đành khuyến cáo gia đình khi đem trẻ về nhà thì cho đi chích ngừa vắc xin dịch vụ càng sớm càng tốt.
Ông Khổng Minh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết: Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Toàn thành phố đã hết vắc xin viêm gan B miễn phí tiêm cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh. Nhiều bệnh viện phụ sản, khoa phụ sản đã bỏ lỡ mũi tiêm này của trẻ.
Lọt lòng đã phải bắt taxi đi chích vắc xin dịch vụ
Nhận thấy ý nghĩa to lớn của mũi vắc xin viêm gan B đầu đời, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương đã hướng dẫn các sản phụ đưa trẻ đi chích ngừa vắc xin dịch vụ. Dù vất vả phải đi ra ngoài bệnh viện, nhưng dù sao trẻ cũng được tiêm sớm, đảm bảo tỉ lệ phòng bệnh cao hơn.
Rõ ràng, việc hết vắc xin miễn phí trong bệnh viện đang gây ra nhiều vất vả, thiệt thòi cho trẻ mới lọt lòng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương - cho biết: "Bệnh viện hết vắc xin viêm gan B. Khi em bé được 1 ngày tuổi, các bác sĩ đã hướng dẫn gia đình đưa trẻ ra phòng tiêm dịch vụ bên ngoài chích ngừa để đảm bảo thời gian vàng phòng bệnh viêm gan B. Gia đình đã bế cháu bé bắt taxi đi chích ngừa. Chích ngừa xong lại về bệnh viện với mẹ".
Ông Nguyễn Xuân Lộc, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, cho biết: "CDC Hải Dương ngừng cung cấp vắc xin viêm gan B cho bệnh viện từ ngày 18-10. Từ hôm đó đến nay, những cháu nào sinh ra đủ điều kiện đều được bệnh viện hướng dẫn ra phòng tiêm dịch vụ bên ngoài để chích ngừa dịch vụ vắc xin viêm gan B".
Để được phòng bệnh, trẻ mới lọt lòng đã vất vả đi một quãng đường xa. Trong khi nếu có vắc xin, trẻ chỉ phải di chuyển vài bước chân. Cùng với đó, được tiêm trong bệnh viện, trẻ cũng an toàn hơn khi có đội ngũ bác sĩ, trang thiết bị luôn ứng trực nếu không may có tình huống xấu.
Ông Hoàng Văn Huỳnh, phó giám đốc CDC Hải Dương, cho biết: Hải Dương là tỉnh thường xuyên đạt tỉ lệ chích ngừa mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh cao, khoảng 90-95%, với 6.000 trẻ được chích ngừa mỗi năm.
Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đang đề xuất Sở Y tế giải pháp tạm thời, đó là mua vắc xin dịch vụ về để có thể chích ngừa cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh và ngay trong bệnh viện, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Đơn vị này cũng rất mong muốn Chương trình Tiêm chủng mở rộng sớm cung ứng lại vắc xin viêm gan B cũng như các các loại vắc xin khác để đảm bảo phòng bệnh cho trẻ.
Từ giữa tháng 10, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh ngay khi không được cung cấp vắc xin viêm gan B miễn phí, đã triển khai chích ngừa vắc xin dịch vụ cho trẻ. Bệnh viện này có 1 phòng tiêm dịch vụ ngay dưới tầng 1, rất thuận tiện cho trẻ và gia đình. Bệnh viện chỉ thu 96.000 đồng 1 mũi vắc xin viêm gan B dịch vụ, bao gồm cả công khám, công tiêm và vắc xin.
Ông Nguyễn Minh Hiệp, phó giám đốc bệnh viện, cho biết giá này bệnh viện không có lãi. Bệnh viện đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu, tạo điều kiện để trẻ không bị lỡ mũi tiêm quan trọng đầu đời.
Khi được hỏi, các gia đình đều rất đồng tình và sẵn sàng chi trả tiền để chích ngừa cho trẻ. Tuy nhiên, không phải bệnh viện, cơ sở y tế nào cũng có phòng tiêm dịch vụ như Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, năm 2023 này do vướng mắc về nơi mua vắc xin (tỉnh mua hay Chương trình Tiêm chủng mở rộng mua như trước đây) và duyệt giá vắc xin mới, dẫn đến nhiều tỉnh thành đã hết các loại vắc xin tiêm theo lịch, có loại đã hết từ tháng 2-2023. Tháng 7 vừa qua, nhờ nguồn vắc xin viện trợ nên các tỉnh thành lại có vắc xin sử dụng đến tháng 10.
Tuy nhiên hiện vắc xin viện trợ cũng đã hết và các cháu tiếp tục phải chờ.
Chị Trần Thị Thanh, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho hay từ tháng 7-2016 đến nay các chị bắt đầu triển khai chương trình tiêm vắc xin ngừa viêm gan B mũi sơ sinh tại các phòng khám, trạm y tế.