Liên tục bị khối ngoại bán ròng, hiếm hoi room ngoại về 45%
Tính từ đầu tháng 9 tới 16/11, cổ phiếu của CTCP Thế giới di động (MWG - sàn HOSE) nằm vị trí top 1 bán ròng của khối ngoại, giá trị bán ròng hơn 2.240 tỷ đồng trong hơn 3 tháng qua. Một cổ phiếu thường xuyên full room ngoại (49%) và các quỹ đầu tư thường phải trả mức giá chênh lệch (premium) từ 30-40% để sở hữu cổ phiếu MWG, lại xuất hiện việc “hở room” nhưng không được lấp đầy nhanh chóng như giai đoạn trước.
Tính đến phiên 16/11, tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại MWG tiếp tục giảm về mức 45,38% (theo dữ liệu Vietstock Finance), tương ứng nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm hơn 48,5 triệu đơn vị - mức hở room rất lớn của MWG trong nhiều năm.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG giảm mạnh từ tháng 9 trở lại đây, với mức giá đỉnh thiết lập trong năm 57.500 đồng (phiên 13/9/2023), MWG có thời điểm về vùng thấp nhất 35.100 đồng (trong phiên 1/11), tương ứng giảm 37%; còn so với mức giá đóng cửa phiên 16/11, MWG đang ghi nhận giảm 25,6% từ đỉnh.
Bên cạnh ảnh hưởng bởi diễn biến chung của thị trường chứng khoán, có lẽ yếu tố cốt lõi là tăng trưởng lợi nhuận của MWG là tác nhân chính khiến áp lực bán của khối ngoại ngày một gia tăng.
Cụ thể, MWG đã ghi nhận kết quả kinh doanh thảm nhất kể từ khi lên sàn, với lãi ròng chỉ 77 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023, trong đó phần lớn nhờ vào khoản lãi từ 20.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Các mảng kinh doanh truyền thống như Thế giới di động và Điện máy xanh đi ngang do ảnh hưởng bởi sức mua sụt giảm; chuỗi nhà thuốc An Khang ghi lỗ lũy kế hơn 550 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2023; còn Bách Hóa Xanh ghi nhận lỗ lũy kế 903 tỷ đồng và nếu tính từ 2016-30/9/2023 ghi nhận lỗ lũy kế gần 8.300 tỷ đồng.
Trong buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cũng cho rằng, việc bán ròng liên tục của khối ngoại có thể đến từ sự lo ngại về tình hình kinh doanh của các chuỗi cửa hàng Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh. Năm 2023, Tập đoàn không tạo ra được lợi nhuận đáng kể, dù tháng 10 ghi nhận tăng trưởng dương doanh thu hàng tháng của tất cả các mảng.
Đây là giai đoạn thách thức nhà đầu tư, việc khối ngoại bán ròng và giá cổ phiếu giảm sâu là cơ hội vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua những thời điểm như vậy. "Ai có niềm tin sẽ bình tâm, tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của Công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra", ông Tài chia sẻ trong buổi gặp gỡ.
Trading ngắn hạn đang có lãi, dài hạn chưa hấp dẫn
Giá cổ phiếu giảm sâu, nhưng HĐQT MWG vẫn đang bỏ ngỏ kế hoạch mua cổ phiếu quỹ với dòng tiền dồi dào, và theo góc nhìn của ông Tài thì việc mua cổ phiếu MWG hiện nay sẽ có lợi hơn nhiều so với gửi lấy lãi ngân hàng. Dù chưa có thời gian để bàn tính về phương án nên chưa thể xác nhận với nhà đầu tư, nhưng ông Tài cho rằng “hết quý I năm sau sẽ muộn mất thời điểm để hành động”.
Đó là góc nhìn về diễn biến cổ phiếu của nhà lãnh đạo MWG - những người rõ nhất về tình hình kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, với góc nhìn từ nhà đầu tư trên thị trường, dòng tiền ngắn hạn vẫn luôn có sự ưu tiên giải ngân khi thị trường giảm sâu để kỳ vọng “ăn cú hồi” thường đạt 7-10% trong 1-2 tuần - là mức hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm, còn với các nhà đầu tư dài hạn vẫn còn sự thận trọng, cần quan sát thêm.
Nhà đầu tư lâu năm trên thị trường (thường đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng và mua với định giá hợp lý) chia sẻ, hiện tại MWG là một trong những cổ phiếu nằm trong danh mục theo dõi, chưa phải danh mục mua vào, bởi tiến độ phục hồi lợi nhuận chưa như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Theo nhóm các nhà đầu tư này, MWG đã trải qua giai đoạn tất cả các mảng kinh doanh đều hiệu quả cao, tương lai khá thách thức trong việc giữ biên lợi nhuận cao trong mảng bán lẻ điện thoại, trong khi Bách hóa xanh vẫn chưa có tính thuyết phục cao về mặt chiến lược trong việc tạo nên lợi nhuận tốt thời gian tới. Bởi vậy, mức định giá này của MWG được nhóm các nhà đầu tư này cho rằng không hấp dẫn.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích CTCK SSI nhấn mạnh trong buổi tọa đàm tuần trước rằng, giai đoạn hiện tại tiêu dùng nội địa rất yếu, ảnh hưởng rõ rệt đến doanh thu, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bán lẻ. Nhóm ngành này được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại vào năm sau, được hỗ trợ trước hết bởi yếu tố tiêu dùng.
"Riêng về vấn đề mô hình kinh doanh của MWG đã hợp lý chưa hay cần điều chỉnh, Công ty có ghi nhận thêm chi phí không, chúng ta cần thời gian quan sát thêm. Chắc chắn với nền thấp năm nay thì năm sau sẽ tăng trưởng tốt", bà Phương nói.
Về góc nhìn dài hơn sang năm 2024, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCK Rồng Việt chia sẻ, thông thường, Rồng Việt theo phương pháp cơ bản sẽ dựa trên tương quan đánh giá tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và mức định giá doanh nghiệp. Trong nhóm doanh nghiệp thống kê, chiếm 55% vốn hóa thị trường, mức biến động lợi nhuận sau báo cáo tài chính là khá tương đồng với thị trường. Xét lợi nhuận dự phóng 4 quý thì xu hướng tạo đáy đã bắt đầu từ quý I năm nay, đến quý III mức độ giảm vẫn còn nhưng thấp và quý IV kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại.
Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của Rồng Việt là 26%, trong đó, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan kể đến như bán lẻ, nguyên vật liệu bao gồm thép, bất động sản (có chọn lọc doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có tiềm năng kinh doanh), ngân hàng...Trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ đang cố gắng hạ lượng hàng tồn kho đã có xu hướng giảm dần, nên dự kiến nhóm này sẽ cải thiện. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng giúp cho nhóm bán lẻ khởi sắc.
"Định giá hiện tại đang cao hơn so với bình quân 3 năm, nghĩa là đang phản ánh tương đối phù hợp cho kỳ vọng", bà Lam nhấn mạnh và cho biết thêm, với MWG, xét về định giá so với tăng trưởng lợi nhuận thì hiện chưa có hấp dẫn dòng tiền đầu tư.