Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) chỉ ra theo quy định của Luật Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể khiếu kiện để tiếp tục được hưởng ưu đãi và nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại nước mẹ.
Bà Thúy cho biết, theo quy định về bảo đảm đầu tư tại Luật Đầu tư hiện hành thì trường hợp nhà nước có chính sách ưu đãi thấp hơn, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi trong thời gian còn lại của dự án. Điều này có nghĩa, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, có khả năng doanh nghiệp khởi kiện để áp dụng quy định đảm bảo đầu tư.
Từ đó, bà Thúy đề nghị nghị quyết cần quy định chi tiết theo hướng giảm khả năng khiếu kiện của doanh nghiệp chịu thuế, đồng thời xác định nguyên tắc giải quyết khi khiếu kiện xảy ra, đảm bảo Nhà nước không bị thiệt hại.
Cũng bày tỏ lo lắng về việc phát sinh tranh chấp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) đặt câu hỏi là trong trường hợp phát sinh tranh chấp, việc giải quyết sẽ theo quy định nào và tổ chức, cơ quan nào xử lý.
"Giải quyết tranh chấp là theo luật Việt Nam hay luật quốc tế, là thẩm quyền chuyên biệt tòa án Việt Nam hay tòa án quốc tế. Quy định giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án, cần phải được xác định rõ", ông Nghĩa nêu.
Thêm nữa, trường hợp có khả năng tranh chấp, nhà đầu tư có thể chọn đóng thuế chỗ khác, khiến Việt Nam có thể mất nguồn thu này. Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng cần có cơ chế xử lý để tránh xung đột với quy định của Luật Đầu tư.
Từ đó, vị đại biểu đề nghị phải sớm ban hành hướng dẫn chi tiết khi nghị quyết được Quốc hội thông qua để doanh nghiệp chịu thuế sắp xếp việc đầu tư, sổ sách tài chính, kế toán và các cơ quan nhà nước cũng lo sắp xếp để tiếp cận những cái mới của Nghị quyết.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, khi ban hành Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định về quyền đánh thuế của Nhà nước và mang lại lợi ích cho đất nước.
Về băn khoăn khả năng các doanh nghiệp khởi kiện khi sắc thuế được áp dụng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ làm việc với 122 doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế để "chuẩn bị tinh thần".
"Tôi nghĩ rằng việc dẫn đến khiếu kiện là rất ít khả năng. Vì ở đây nếu doanh nghiệp không đóng thuế tại Việt Nam thì cũng phải đóng thuế tại nước ngoài. Mà đóng thuế nước ngoài thì phức tạp hơn rất nhiều vì cơ quan thuế nước ngoài cũng phải sang Việt Nam thu thuế", ông Phớc nói.
Về việc ưu đãi ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, ông Phớc cho hay, giấy chứng nhận đầu tư không được ghi ưu đãi về thuế vì ưu đãi thuế phải thực hiện theo quy định tại pháp luật thuế.
"Vừa rồi một số địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ghi vào ưu đãi về thuế là không đúng. Chúng tôi đã có văn bản trả lời, hướng dẫn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đúng, thống nhất", ông Phớc nói.
Về ưu đãi đầu tư mới song hành cùng việc bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu, ông Phớc cho biết, Chính phủ đã phân công cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ này đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang yêu cầu chỉnh sửa lại trong thời gian rất ngắn ban hành đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư", ông Phớc cho hay.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất.
Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sẽ đánh thuế vào năm 2024. Việt Nam cũng có kế hoạch áp thuế này từ năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng trong năm sau.