Đó là chia sẻ của nhà thơ Hoàng Việt Hằng tại buổi thông tin về chương trình tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn, chiều 20-11 tại Hà Nội.
"Tôi không nghĩ văn chương là cuộc chơi, vì đó là lao động khổ hạnh. Để viết được tiểu thuyết không phải chỉ cần vốn sống, mà phải đi nhiều hiểu nhiều mới có thể viết được.
Viết về công nhân hay công đoàn thì ta vẫn phải viết về phận người. Người công nhân của 40 năm trước khác xa so với bây giờ, nhưng nhìn chung họ là người làm thật ăn giả, sống chật hẹp, nghèo khổ.
Khi được tạo điều kiện về vùng mỏ Quảng Ninh, tôi thấy đời sống công nhân được cải thiện, công đoàn đã giúp họ thay đổi toàn bộ cuộc đời, có cuộc sống tốt hơn", bà Việt Hằng chia sẻ.
Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phát động từ ngày 23-11-2021.
Sau gần 2 năm, cuộc thi đã nhận 498 tác phẩm dự thi, trong đó có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, công nhân, viên chức, học sinh…
Chia sẻ tại buổi thông tin tổng kết và trao giải cuộc thi, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết công nhân ở thời kỳ nào cũng có nhiều chất liệu để viết.
"Hôm trước vào trao giải giải bóng đá công nhân tại Bình Dương, tôi đã gặp hai chị công nhân bị kiểu u rất lạ. Cả hai chị đều sinh năm 1975.
Một chị rất khó khăn, chồng làm phụ hồ, thu nhập gia đình khoảng 7 triệu/tháng. Hiện chị không thể điều trị hóa chất nữa vì kinh tế khó khăn", ông Hiểu kể lại.
Các tác phẩm đều theo sát chủ đề cuộc thi là viết về công nhân, công đoàn, mang chất sống và hơi thở của thời đại, phản ánh đúng những vấn đề của công nhân, người lao động và vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn hiện nay.
Bối cảnh được tái hiện trong các tác phẩm rất sinh động, trải dài trên khắp đất nước. Đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, hay những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương…
Xuất thân của các nhân vật cũng đa dạng, phong phú. Họ là công nhân ở xưởng dệt, may mặc, công nhân ở các nhà máy trong quá trình chuyển đổi số, công nhân khai thác than, khoáng sản, những người trồng thuốc lá trên núi...
13 truyện ngắn và 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu cuộc thi để trình ban chỉ đạo và thường trực Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, trao giải.
Lễ tổng kết và trao giải cho các tác giả, tác phẩm đoạt giải sẽ được tổ chức vào ngày 26-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Công đoàn Việt Nam sẽ phối hợp với đối tác tặng vé tàu hỏa, máy bay miễn phí cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết Nguyên đán 2024.