Ngoài lý do người dân giảm chi tiêu vì kinh tế khó khăn, các chủ quán ăn, nhà hàng cho rằng việc siết lại quy định kiểm tra nồng độ cồn khiến hầu hết khách hàng đều lo ngại bị đo nồng độ cồn và bị xử phạt.
Dù các nhà hàng, quán ăn khuyến mãi dịch vụ đưa về tận nhà, lái xe hộ... nhưng không hiệu quả. Việc các nhà hàng, quán ăn "tắt đèn sớm" cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế đêm, nhiều du khách không còn hào hứng tìm đến những địa chỉ từng náo nhiệt trước đây.
Nhiều chương trình khuyến mãi vẫn ế khách
Anh Thành Long, chủ quán Cậu Mập trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết lượng khách đến quán sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay và thời gian gần đây tình trạng này càng rõ ràng hơn cho dù quán triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi, quảng cáo.
Ước tính lượng khách, doanh thu đã giảm 30 - 40% so với năm trước do nhiều yếu tố như kinh tế khó khăn và đặc biệt là cơ quan chức năng siết lại hoạt động kiểm tra nồng độ cồn.
"Sau khi đổ tiền khuyến mãi, quảng cáo trên mạng xã hội nhưng tình hình kinh doanh cũng không cải thiện, chúng tôi đã dừng hết các chương trình quảng cáo trên mạng xã hội và dành ngân sách này để giảm giá cho khách.
Khách sẽ được tặng thêm món ăn, giảm giá trên hóa đơn hay tính giá bia theo giá gốc...
Tín hiệu ban đầu là tích cực nhưng dù cố gắng bao nhiêu, tình hình cũng chỉ bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái", anh Long chia sẻ.
Đặc biệt từ mấy tháng nay, quán đã triển khai chương trình hỗ trợ tiền đặt xe cho khách hàng uống bia dựa theo giá trị đơn hàng nhưng không hiệu quả khi khách thường đi nhậu theo nhóm bạn bè nhưng không về cùng đường, đa phần khách có xe máy vẫn muốn tự đi về, khách lái xe hơi lại chưa tin dùng các dịch vụ lái xe hộ.
"Chúng tôi muốn kết nối các app công nghệ hỗ trợ lái xe hộ hay đặt xe và sẵn sàng hợp tác để khách yên tâm đến ăn uống thoải mái, trọn vẹn nhưng chưa tìm được đầu mối khả thi", anh Long nói.
Anh Hoàng Tùng, chủ quán ốc trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10), cũng cho rằng dịch vụ giữ xe qua đêm chỉ mang tính "quảng cáo" để khách yên tâm vào nhậu. Thực tế khách ăn uống xong đều muốn tự lái xe về vì hôm sau còn đi làm, đi công việc...
"Năm ngoái chúng tôi đã thử áp dụng chính sách này nhưng số khách chịu gửi xe lại qua đêm không nhiều, trong khi có khách gửi xe hơn một tuần sau mới quay lại lấy xe, rất phiền phức", anh Tùng cho biết.
Cũng như nhiều quán ăn khác trong quận, tình hình kinh doanh của quán anh Tùng khá ảm đạm do chịu áp lực kinh tế khó khăn và quy định kiểm tra nồng độ cồn.
Khách chủ yếu vào ăn rồi về nhanh chứ không còn lai rai đến tầm nửa đêm như trước, số nguyên liệu nhập vào để chế biến cứ giảm dần qua mỗi tháng. Một số quán trong khu vực không mạnh về vốn và thương hiệu đã rời thị trường, trả mặt bằng.
Khó phát triển kinh tế đêm?
Anh Trương Công Dân, nhà hàng Du Ký Seafood (quận 1), cho biết vừa trả mặt bằng quán ăn trên đường Võ Văn Kiệt sau ba năm bám trụ và dồn sức cho nhà hàng hiện tại.
Khu phố Tây Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão cũng dần đông đúc về đêm trở lại nhưng khách vào không gọi ăn uống nhiều, chủ yếu nhìn dòng người trong tiếng nhạc xập xình rồi... về.
"Quán nằm trong khu phố Tây, đón cả dòng khách du lịch, vậy mà doanh số cũng giảm sút gần 50% so với năm ngoái. Khách đi nhà hàng, quán ăn chủ yếu để lai rai, gặp gỡ bạn bè, đối tác nhưng do e ngại về xử phạt nồng độ cồn nên không dám gọi bia rượu.
Trước đây khách ngồi lâu vì có thể lai rai, nay khách không dám uống nên cũng rời sớm", anh Dân nói.
Để giữ chân khách lâu hơn, quán tăng thêm không gian giải trí, mời ca sĩ, người chỉnh nhạc... đến biểu diễn, tổ chức hoạt náo để khách có "cớ" ngồi lại.
Những khách gọi món đến ngưỡng nào đó cũng được tặng thêm món ăn, giảm giá... "Chúng tôi đang đầu tư phục vụ khách du lịch về đêm, ban ngày tận dụng mặt bằng đón khách văn phòng, nhưng cũng rất hồi hộp", anh Dân cho biết.
Ông Dương Thanh Đảo, phó chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM, cho biết hiệp hội nhận được phản ánh từ các thành viên là những quán ăn, nhà hàng về chuyện gặp khó trong hoạt động khi lượng khách sụt giảm mạnh vì khách lo bị đo nồng độ cồn và bị xử phạt.
Theo ông Đảo, đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh của ngành F&B mà còn phát triển du lịch. Du khách sẽ không hứng thú đến một nơi mà mới 9h-10h tối đã tắt đèn, quán xá vắng vẻ.
Do đó, vấn đề là phải tìm giải pháp nhằm đảm bảo khách hàng có uống rượu bia vẫn tham gia giao thông an toàn, đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên là bên thực thi quy định pháp luật về an toàn giao thông, chủ quán ăn và người tiêu dùng.
Các nhà hàng, quán xá đã triển khai nhiều giải pháp như dịch vụ giữ xe qua đêm, đưa khách về nhà và app công nghệ gọi xe, lái xe hộ...
Nhưng cần đẩy mạnh dịch vụ này hơn nữa để người tiêu dùng có thói quen sử dụng dịch vụ này một cách tự giác. Với thực khách, nếu quá chén cũng nên chọn giải pháp an toàn, không đánh cược rủi ro.
"Về phía cơ quan kiểm tra, quy định độ cồn phải bằng 0 tuyệt đối là hơi khắt khe. Nên tính toán nồng độ cồn cho phép, tham khảo quy định ở các nước phát triển khác để xóa bỏ phần nào tâm lý của người dân hiện nay", ông Đảo kiến nghị.
* Ông Hoàng Tùng (chuyên gia lĩnh vực F&B):
Nên chuyển đổi để tồn tại?
Không chỉ ngành rượu bia, đồ uống có cồn, tổng quan chung ngành F&B năm nay đều có sự sụt giảm về sức mua.
Nhưng phải nhấn mạnh rằng rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, mà còn là xu hướng tất yếu tương lai.
Việc chi tiêu cho các đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ giảm dần. Chính sách pháp luật của chúng ta cũng hạn chế người dân tiêu thụ đồ uống có cồn.
Sắp cuối năm, đây là dịp cao điểm để nhà hàng, quán nhậu gia tăng doanh số. Tuy nhiên, các hàng quán muốn thu hút khách hàng cũng cần phải có dịch vụ cộng thêm.
Ví dụ như chuẩn bị mặt bằng để khách có thể gửi xe qua đêm tại quán hay miễn phí Grab về, hoặc cho nhân viên lái xe về cho khách hàng. Nhiều quán đã làm như vậy rồi. Nhiều quán cũng đẩy mạnh giao đồ nhậu tại nhà.
Nói chung không còn cách nào khác, các doanh nghiệp cần có thêm sự sáng tạo về dịch vụ, sản phẩm mới hoặc chấp nhận dịch chuyển sang mô hình khác ít phụ thuộc đồ uống có cồn hơn.
Thực tế nhà hàng hay quán ăn có sự dịch chuyển rất nhanh như chuỗi cà phê muối, bánh đồng xu, trà chanh giã tay... Có thể "trend" không kéo dài nhưng tạo doanh số đột biến.
Ngành F&B vốn rất khốc liệt, việc xoay chuyển, đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội mới là liên tục. Cơ hội luôn có với những chủ quán năng động. Như ở Hà Nội, chuỗi quán nhậu tự do phát triển rất mạnh. Nhiều nơi khác có đổi mới nên thoát khỏi sức mua yếu kém năm nay.
* Ông Nguyễn Văn Việt (chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát):
Sẽ có tác động dây chuyền
Doanh thu từ rượu bia giảm, nhà hàng, quán ăn vắng khách là những phản ánh rất thực tế về ngành hiện nay.
Không phải chỉ ở TP.HCM, ngoài Hà Nội cũng vậy, nhiều quán trước đông không có chỗ để xe giờ vắng tanh.
Kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, dần giảm thói quen rượu bia.
Đặc biệt, việc thực hiện nghị định 100 về nồng độ cồn khiến nhiều người không dám uống, dù chỉ một chút. Tôi ủng hộ việc kiểm soát chặt đối với các lái xe trong việc sử dụng rượu bia để đảm bảo an toàn giao thông.
Nhưng nhìn nhận ở góc độ khác, ăn nhậu là nhu cầu giải trí cuộc sống. Do vậy bên cạnh việc kiểm soát nồng độ cồn với tài xế cũng nên tính toán các giải pháp để ngành này vực dậy khó khăn.
Một số yếu tố mang tính giải pháp như phát triển hệ thống giao thông công cộng để người dân lựa chọn, thúc đẩy phát triển dịch vụ lái xe thuê cho người say xỉn... Nếu chỉ cấm và phạt, tôi cho rằng cần thiết nhưng chưa toàn diện.
Theo tôi, nên xem xét lại việc cấm tuyệt đối người "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phải tính toán sao cho phù hợp thực tế, thông lệ quốc tế.
Ngành rượu bia những năm qua đóng góp rất tốt cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy các ngành liên quan phát triển.
Cái khó của ngành rượu bia sẽ có tác động dây chuyền, bởi vậy tôi cho rằng vấn đề này cần được xem xét toàn diện. Làm sao cân đối hài hòa được cả vấn đề sức khỏe, an toàn giao thông nhưng không làm khó một ngành kinh tế.
Sợ cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn, kinh tế khó khăn... khiến nhiều người giảm đi nhậu. Nhiều nhà hàng, quán ăn lớn từng đông đúc ở TP.HCM bị giảm khách, phải đóng cửa hoặc giảm nhân viên. Nhiều dịch vụ đi kèm cũng ảnh hưởng.