Cách đây không lâu, khi xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", cựu trung tá điều tra viên Hoàng Văn Hưng bị phạt tù chung thân do nhận hối lộ 400.000 USD.
Nhiều người tỏ ra kinh ngạc khi nghe đến số tiền khổng lồ đó đựng trong một cái vali và được đưa ngay trước cổng cơ quan bảo vệ pháp luật. Bây giờ, vali với số tiền đó là "chuyện nhỏ như con thỏ" qua vụ án Vạn Thịnh Phát.
Cơ quan điều tra cáo buộc bà Đỗ Thị Nhàn - cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) - nhận tới 5,2 triệu USD ngay tại văn phòng làm việc, chứa trong ba thùng xốp.
Nếu đây là sự thật, bà Nhàn đúng là tay tham nhũng cỡ bự, thùng xốp nhiều triệu đô hối lộ cho bà vượt xa cái vali tặng ông Hưng!
Từ lâu dân gian vẫn lưu truyền câu đồng dao trần trụi: "Kính thưa là chuyện tào lao / Phong bì mày nhớ đưa tao nghe mày". Và thế là "văn hóa đập dẹp bỏ bao thơ" cứ tồn tại nhùng nhẵng mãi tới hiện nay vẫn chưa chịu thôi.
Những tưởng vấn nạn phong bao đủ khiến cho dân, cho nước long đong, không ngờ nó lại "phát triển" lên vali rồi thùng xốp. Chứng tỏ tham nhũng ngày càng bạo dạn, bất chấp hết thảy, có là lấy, không chút băn khoăn, không chút lưỡng lự và tự trọng.
Kẻ đưa hối lộ chẳng hề run tay, ngang nhiên đưa tiền thẳng thừng không chỉ ở nhà riêng mà còn đưa tại những nơi được coi là công sở tôn nghiêm; không như trước đây khi dúi phong bao phải giấu giếm trong các món quà nho nhỏ như sổ tay, chai rượu, cây thuốc lá, gói bánh...
Tiền đâu phải là lá mít, chẳng ai phung phí cho không ai cái gì, hết thảy đều có mục đích và yêu cầu. Nhận tiền hối lộ nhiều tất nhiên là phải tuân theo mọi "chiếu chỉ" của những kẻ chủ chi.
Qua kết luận điều tra, chúng ta thấy trường hợp bà Nhàn là rất điển hình. Bà ta không đơn giản nhắm mắt bỏ qua những sai trái, mà còn tiếp tay vi phạm qua các báo cáo láo, "vẽ đường cho hươu chạy" bằng cách kiến nghị cho Ngân hàng SCB của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được thực hiện tái cơ cấu, gây thêm thiệt hại lớn.
Bán mình là biểu hiện xấu xa của các quan chức. Tệ hại hơn là cả một tập thể cùng nhau bán mình. Không thể hiểu nổi khi kết luận điều tra nêu rõ việc tất cả 18 người thuộc đoàn thanh tra liên ngành đều có hành vi nhận tiền rồi tiếp tay hoặc làm ngơ cho "đế chế" Vạn Thịnh Phát.
Đáng nói hơn, nhóm người này gồm nhiều bộ phận, nhiều đơn vị gộp lại, nhưng lại rất đồng nhất khi nhận hối lộ. Những người đưa tiền quả "biết chi đúng chỗ, biết chung đúng người". Quan to chung to, quan bé chung bé, trưởng đoàn trực tiếp thanh tra thì cỡ thùng xốp, cán bộ thành viên đoàn là bao thơ dày mỏng.
Cả đoàn cán bộ có bổn phận tìm ra bản chất thực của một tổ hợp doanh nghiệp đã bị mua trọn, sẵn sàng bán trọn, chẳng thấy ai đủ bản lĩnh cưỡng lại mùi tanh của đồng tiền bẩn. Hiện tượng này là rất đáng lưu ý, nếu không ngăn chặn còn có thể xảy ra ở nơi khác.
Mỗi vụ đại án tham nhũng là một bài học đắng ngắt khi phát hiện ra những điều trầm trọng mới. Nó cũng là chứng cứ phản ánh tình trạng tha hóa của một bộ phận cán bộ; đồng thời phản ánh sự buông lỏng công tác quản lý, tạo điều kiện cho các quan chức bị những viên đạn bọc đường tấn công.
Chúng ta cần hết sức cảnh giác với mọi thủ đoạn mua chuộc đang tiến nhanh trên con đường từ bao thư đến vali và nay là thùng xốp. Chưa chắc tham nhũng chịu dừng lại ở đó, không chừng nay mai lại xuất hiện thêm cỡ container gì đó thì nguy.
Từ chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, tổng giám đốc Ngân hàng SCB ba lần đến nhà riêng của nữ cựu cục trưởng, mang theo những chiếc thùng xốp đựng cả triệu USD để hối lộ, tổng 5 triệu USD. Một lần khác, nữ cục trưởng nhận túi đựng 200.000 USD.