Theo lãnh đạo cơ quan chức năng của TP Nha Trang, việc cập nhật các khu vực bãi biển Nha Trang kể trên vào các đồ án quy hoạch phân khu (1/2000) của các phường dự kiến sẽ được hoàn thành để thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt vào quý 1-2024.
Kêu gọi đầu tư một số khu vực trên bãi biển Nha Trang
Về phương án quy hoạch khu vực phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao UBND TP Nha Trang thực hiện theo ý tưởng thiết kế đô thị của liên danh tư vấn.
UBND tỉnh kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo đúng quy định pháp luật tại các khu vực bãi biển Nha Trang thuộc các quy hoạch phân khu sẽ được cập nhật, phê duyệt theo ý tưởng thiết kế đã nêu.
Trong đó, có việc đầu tư tại các công trình, dự án đã hết thời hạn thuê đất hoặc thuộc diện bị thu hồi như: dự án khu nghỉ mát Ana Mandara Nha Trang, công viên Phù Đổng, nhà hàng Louisiane, Sailing Club…
Phương án cải tạo các khu nhà hàng trên bãi biển Nha Trang
Đối với các công trình trên dải ven biển Nha Trang kể trên, đơn vị tư vấn đã đề xuất theo 3 nhóm, không kể khu lấn lấp biển làm dự án đô thị An Viên.
Nhóm công trình được đề xuất giữ lại, gồm: khu nghỉ dưỡng Amina, nhà hàng hải sản Thái-MP, bến du thuyền Ana Marina, hội quán vịnh Nha Trang và Đài thiên văn Nha Trang (tại đồi Hòn Chồng).
Nhóm công trình đề xuất thu hồi, di dời là nhà hàng Yến Sào và nhà hàng Thùy Dương (nằm giáp phía bắc công viên phía bắc cầu Trần Phú).
Nhóm công trình được đề nghị xem xét, cải tạo, gồm: nhà hàng truyền thống Yến Sào Khánh Hòa, nhà nghỉ dưỡng 378 (làm công viên, Bảo tàng Yersin), các nhà hàng tại khu cà phê Bốn Mùa, khu Sailing Club, khu bia tươi Louisane Brewhouse, đền thờ Trần Hưng Đạo (tại công viên Bạch Đằng) và cụm công trình đồi dinh lầu Bảo Đại.
Trong đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất khu du lịch Bốn Mùa Nha Trang (gồm nhà hàng, cà phê E-Land Four Seasons ở tầng nổi trên bãi biển) vẫn giữ chức năng là nhà hàng, giải trí. Nhưng tại khu này cần cải tạo theo phương án thiết kế phải tháo dỡ một phần chỗ ngồi phía biển để mở rộng đường đi dạo, đồng thời giải phóng khu vực bãi xe phía trước (giáp vỉa hè đường Trần Phú) để mở rộng vỉa hè. Việc mở rộng vỉa hè, đường đi dạo đó là để kết nối 2 khu công viên ở hai bên.
Phần còn lại sẽ bố trí 2 bãi xe ở hai bên tiếp giáp với các công viên bên cạnh và cải tạo mặt đứng, mái che công trình, bổ sung tiểu cảnh theo phong cách hiện đại, trẻ trung, năng động. Tường chắn khu hầm lên xuống phía biển cũng phải đập, hạ thấp xuống bằng kè ven biển.
Còn đối với các khu nhà hàng Sailing Club và nhà hàng bia tươi Louisane Brewhouse đều có đề xuất cải tạo bằng cách tháo dỡ các hạng mục phụ trợ phía trước mặt tiền đường Trần Phú và cũng tháo dỡ bớt một phần chỗ ngồi phía biển để mở rộng đường đi dạo ven biển, kết nối thông suốt với các công viên.
Khu Evason Ana Mandara thành "Làng biển Nha Trang"
Riêng tại khu vực du lịch Evason Ana Mandara cũ thì đơn vị tư vấn đã đề xuất và được thống nhất chấp thuận là sẽ "cải tại và bảo tồn" thành "Làng biển Nha Trang".
Trong đó, có cải tạo, bố trí quảng trường, bãi đậu xe, bổ sung các tiện ích phục vụ công cộng (vòi uống nước, nhà vệ sinh, nhà tắm, trạm thông tin…) và các khu vực cây xanh, công viên mở, lối đi rộng cả trong khu và thông từ đường Trần Phú ra biển.
Nhiều công trình hiện trạng của khu Ana Mandara sẽ tháo dỡ nhưng giữ lại khoảng 10 nhà (cao 1 tầng, rộng từ 240m2 đến 300m2) để làm khu nhà đón trả khách cùng các công trình phục vụ thương mại (không quá 5% diện tích xây dựng) để làm các nhà hàng kinh doanh cà phê, bar…
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã bác phương án đề xuất uốn cong đường Trần Phú để xây quảng trường, 'công trình điểm nhấn' tại sân bay Nha Trang tràn xuống luôn khu sân bóng đá và bãi biển Nha Trang.