Theo báo Telegraph, máy đo độ sâu trên tàu ngầm lớp Vanguard này hoạt động đã 30 năm và bị hỏng.
Máy đo độ sâu bị trục trặc khi con tàu chuẩn bị đi tuần tra. Không hay biết sự cố xảy ra, thủy thủ đoàn vẫn tin con tàu đang hoạt động ở mức ngang ổn định, trong khi thực tế nó vẫn đang tiếp tục lao sâu xuống vùng biển Đại Tây Dương.
Khi tàu bắt đầu chìm vào “vùng nguy hiểm” - ở độ sâu mà tàu ngầm có thể gặp thảm họa, còn được gọi là “độ sâu nghiền nát”, các kỹ sư nhận ra có điều gì đó không ổn đã kịp cảnh báo sau khi đọc kết quả từ máy đo độ sâu thứ hai.
Việc bất ngờ rơi vào “vùng nguy hiểm” đã gây hoảng loạn cho thủy thủ đoàn trên chiếc tàu ngầm.
May mắn vào phút cuối, các kỹ sư kịp ngăn chặn một thảm họa tiềm ẩn bằng cách dừng tàu ngầm để ngăn nó lao sâu hơn.
Người phát ngôn của Hải quân Hoàng gia cho biết: “Chúng tôi không bình luận về các chi tiết cụ thể liên quan đến hoạt động của tàu ngầm, nhưng sự an toàn của thủy thủ đoàn luôn là ưu tiên hàng đầu”.
Anh có đội tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân luôn tuần tra dưới biển kể từ năm 1969, như một phần trong chiến dịch răn đe liên tục trên biển.
Hải quân Hoàng gia Anh có 4 tàu lớp Vanguard thực hiện vai trò luân phiên này.
Các tàu già cỗi này dự kiến sẽ được thay thế vào những năm 2030, bằng những con tàu lớp Dreadnought hiện đang được đóng.
Thảm họa tàu USS Thresher
Chiếc tàu ngầm lớp Vanguard của Anh gặp phải một thảm họa tiềm ẩn, tương tự như sự cố liên quan đến vụ nổ tàu lặn Titan, tất cả đều xuất phát từ trục trặc ở máy đo độ sâu.
USS Thresher, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân nổi bật của Hải quân Mỹ, cũng đã phát nổ trong các cuộc thử nghiệm lặn sâu ngoài khơi Cape Cod vào ngày 10-4-1963.
Chiếc tàu ngầm đã bị nghiền nát khiến toàn bộ 129 người trên tàu thiệt mạng.
Tàu lặn Titan lao xuống nước. Ánh sáng dần mờ đi rồi mọi thứ tối đen. Đèn pha lẫn đèn trong tàu đều được tắt để tiết kiệm điện.