9 năm làm nghiên cứu sinh với GS.TS Nguyễn Văn Hạnh, tôi có dịp được thầy trò chuyện, được chứng kiến anh em, bạn bè của thầy đến thăm, nói về thầy những năm thầy sống và làm việc ở Hà Nội, Đại học Huế... tôi hiểu thêm về thầy.
Ngày vừa rời chốn quan trường, thầy vào Sài Gòn sống nhờ ở nhà con gái. Tôi nhớ cái đêm đầu tiên được gặp thầy để trao đổi về đề tài luận án ở căn nhà trên đường Đoàn Văn Bơ, Q.4. Dưới ánh đèn điện đủ sáng để đọc sách, tôi thấy thầy đang đọc Tuyển tập Nguyễn Trãi. Tôi hỏi về chỗ ở, thầy bảo: "Mình mới vào Sài Gòn, đây là nhà con gái. Cuộc đời đâu cũng là chỗ đặt ba lô".
Sau đó thầy được phân một căn gác ở đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận). Căn gác rộng chừng chục mét vuông vừa là chỗ ở và sinh hoạt vừa là phòng làm việc của thầy. Ở tuổi 60, thầy lo kiếm tiền để làm nhà ở. Cách kiếm tiền của người làm chuyên môn về khoa học xã hội, ngoài đề tài nghiên cứu với kinh phí ít ỏi thì đi dạy thêm là cách kiếm sống phù hợp nhất.
Thầy đi dạy bằng xe đạp. Có lần tôi đến đúng lúc thầy vừa đi dạy về. Ngồi một hồi để lại sức, thầy mới nói: Ở tuổi mình, đi dạy bằng xe đạp rất vất vả. Đi đến nơi dạy nhiều khi hoa cả mắt, vào lớp giảng bài xong mệt lắm!
Có một học trò thông cảm với nỗi vất vả của thầy, tặng chiếc Mobilet. Thầy mừng lắm, gặp ai cũng khoe. Nhưng được một thời gian ngắn, chiếc xe bị trộm lấy mất. Lúc khó khăn như thế, tôi nghe vợ thầy kể chuyện gia đình lúc mới vào Sài Gòn, anh trai thầy gọi đến giao cho một biệt thự. Anh em gặp nhau sau mấy chục năm xa cách mừng mừng tủi tủi, nhưng khi nói đến chuyện căn biệt thự thì thầy từ chối.
Khi UBND TP cấp nhà cho thầy, thầy cầm quyết định đến phòng quản lý nhà đất. Sau khi nghe nhân viên hướng dẫn rất nhiều thủ tục, lại có người bảo phải đi "cửa trước cửa sau" thế nào đấy, ông đã trả lại quyết định. Ông nói: "Tôi xin trả lại quyết định, vì quy định thủ tục lằng nhằng quá, tôi chẳng biết đường nào mà đi!".
Từ chối chức tước, từ chối cả quyền lợi vật chất, ắt hẳn thầy phải chịu nhiều gian khó. Thấy bố vợ vất vả, con rể của thầy bàn tính góp chung mua đất, xây được căn nhà giữa một xóm dệt nghèo ở quận Gò Vấp khiến thầy rất vui. Nhưng ở được một thời gian, căn nhà nhanh chóng bị phủ bụi, đổi cả màu sơn vì bụi của sợi dệt. Tiếng ồn, bụi bặm làm bà xã thầy rất khó chịu nên hay phàn nàn.
Thầy bộc bạch: "Bà nhà tôi cứ kêu mỗi khi nghe tiếng máy dệt của nhà hàng xóm. Có lúc tôi không kìm được phải nói ra: Bà biết tôi là ai không mà cũng chịu được thì bà cũng chịu được chứ!". Anh em đồng nghiệp, học trò đến thăm thầy, thấy ngôi nhà chìm ngập trong tiếng ồn của máy dệt cả ngày lẫn đêm, khó có sự yên tĩnh để làm việc nên có người lại khuyên ông làm đơn xin nhà.
Một buổi sáng cuối năm 2000, thầy nhận được quyết định cấp nhà của UBND TP. Đó là căn nhà số 38, ngõ Phạm Đôn, Q.5, nơi thầy sống cùng gia đình, tiếp tục làm việc với niềm đam mê của nhà nghiên cứu - phê bình văn học cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Nhà văn, GS.TS Nguyễn Văn Hạnh sinh ngày 1-1-1931, quê quán Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. GS.TS Nguyễn Văn Hạnh từ trần vào hồi 22h30 ngày 19-11-2023 tại TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi. Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố, quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân.
Sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Nga năm 1961, ông bảo vệ luận án tiến sĩ ngữ văn tại đây năm 1963.
Sau đó GS.TS Nguyễn Văn Hạnh về nước, công tác tại khoa văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là một trong những người chủ trì và tham gia biên soạn bộ giáo trình Cơ sở lý luận văn học (4 tập, xuất bản từ 1965-1971).
Đây là một trong ba công trình lý luận văn học đầu tiên vận dụng các nguyên lý, các khái niệm do các học giả Xô viết đưa ra để xây dựng bộ giáo trình Lý luận văn học của Việt Nam, giải thích những vấn đề thực tiễn trong lịch sử văn học nước ta.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm trưởng ban phụ trách Viện Đại học Huế, hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế 1975-1981, thứ trưởng Bộ Giáo dục 1983-1987, phó trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ trung ương, phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương năm 1981-1983; 1987-1990...
TT - Tuổi Trẻ đã cùng “học” và có ghi nhận từ các tiết học văn được giảng dạy theo phương pháp mới.