Sáng 21-11, các học sinh Trường trung học Namiki (Nhật Bản) đã tham quan, tìm hiểu văn hóa Việt Nam tại Bảo tàng Áo dài. Đây là một trong những hoạt động thuộc chuyến du lịch học tập phối hợp giữa hai nước Việt - Nhật.
Học sinh Nhật tìm hiểu văn hóa Việt
Ngay khi bước vào bảo tàng, đoàn khách Nhật được đón tiếp bằng tiếng trống lân, chũm chọe, thanh la đồng của đội lân sư rồng. Sau đó, các bạn được chia làm ba nhóm, lần lượt đi tìm hiểu, trải nghiệm áo dài, âm nhạc dân tộc và võ cổ truyền.
Việc chia nhóm trên dựa vào kết quả đăng ký từ trước của các bạn. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài, kế hoạch tham quan sáng 21-11 được thực hiện từ nhiều tháng trước.
"Sau đại dịch, ngành du lịch cần phải có sự đổi mới, một trong những đổi mới mà tôi hy vọng chính là đưa các di sản văn hóa nước mình đến với du khách quốc tế. Không chỉ để họ giải trí, vui chơi mà còn được học hỏi.
Và đoàn học sinh Nhật đến bảo tàng lần này có mục tiêu học tập rất rõ ràng. Ngoài ra, phía nhà trường cho thấy sự chuyên nghiệp và kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị như phần âm nhạc có bao nhiêu món nhạc cụ, mỗi phần thuyết trình dài bao lâu... đều được tính sẵn", bà Vân cho biết.
Học sinh Nhật chăm chú xem Câu lạc bộ Đờn ca tài tử phường Long Phước, TP Thủ Đức trình diễn - Video: THÁI THÁI
Vì số lượng nhân viên của bảo tàng khá mỏng, buổi tham quan còn có sự hỗ trợ từ các sinh viên khoa du lịch Trường đại học Văn hóa TP.HCM. Đây là cơ hội để các bạn cọ xát với nghề hướng dẫn viên, giúp sức lan tỏa văn hóa dân tộc đến du khách nước ngoài.
Bạn Yuki (17 tuổi) cảm thấy thích thú khi khoác lên mình trang phục truyền thống của người Việt Nam.
Nữ sinh tâm sự đây là lần đầu tiên bạn đến Việt Nam và được mặc áo dài. Yuki phấn khích nói: "Em cảm thấy áo dài Việt Nam rất mát mẻ, nó gợi cảm, tôn được những đường cong của phụ nữ mà không phô trương, rất kín đáo.
Áo dài dễ mặc lắm, nó không quá cầu kỳ như kimono. Ở Nhật cũng có tiệm bán áo dài nhưng em chưa bao giờ vào, sau hôm nay chắc chắn em sẽ cần một bộ áo dài trong tủ quần áo".
Kết thúc chuyến tham quan Bảo tàng Áo dài, các học sinh Nhật sẽ tiếp tục học hỏi về văn hóa Việt Nam thông qua các món ăn và một vài hoạt động khác như thu hoạch trái cây ở làng bưởi Tân Triều, thăm mái ấm Thiên Thần, địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chiến tích chiến tranh...
Chuyến du lịch học tập dự kiến kết thúc vào ngày 23-11.
Những câu hát ru, bài ca vọng cổ hát về người mẹ được các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn đã chạm đến cảm xúc của nhiều người xem.