Ngày 21-11, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang trở nên đìu hiu, chỉ còn lại 2 tàu trọng tải nhỏ của nước ngoài đang neo đậu.
Trên dòng sông Hậu không còn cảnh sà lan neo đậu tấp nập dày đặc như trước. Trên bờ, nhiều băng chuyền lúa gạo được để ngổn ngang. Cảng Mỹ Thới chỉ còn vài container chưa kịp đưa lên tàu, số còn lại là container rỗng.
Dẫn chúng tôi đi xung quanh cảng, một cán bộ cảng Mỹ Thới nói: "Hai tháng nay, cảng Mỹ Thới đìu hiu như vậy, không có tàu biển vào lấy gạo xuất khẩu, cũng không có tàu chở cá tra đi xuất khẩu nữa. Chính vì vậy công nhân không có việc làm, lượng giảm mạnh nên một số phải kiếm việc khác làm thêm".
Ông Bùi Thành Hiệp - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng An Giang (cảng Mỹ Thới) - cho biết 10 tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu qua cảng Mỹ Thới hơn 350.000 tấn, chỉ đạt trên 53% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân chính là do kênh Quan Chánh Bố đang nạo vét nên nhiều tàu, thuyền lớn không vào được mà phải neo đậu ở cảng Cát Lái (TP.HCM).
Đến ngày 15-10, Cục Hàng Hải mới thông báo là kênh Quan Chánh Bố có độ sâu ít nhất là 7m, một số tàu, thuyền từ 5.000 - 6.000 tấn vào được.
"Tuy nhiên, lúc này lượng gạo Việt Nam xuất khẩu đã được các doanh nghiệp chuyển sang giao hàng cho các tàu tại cảng Cát Lái. Lượng gạo chủ yếu của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng các doanh nghiệp không xuất khẩu qua cảng Mỹ Thới được mà phải di chuyển lên TP.HCM nên phải tốn thêm 10 USD/tấn", ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, cách đây 3 tuần có tàu hơn 4.000 tấn vào tới cảng Mỹ Thới nhưng khách hàng đàm phán giá gạo không xong với doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên họ đã cho tàu rời đi.
Hằng năm, thời điểm này cảng Mỹ Thới có nhiều container chở gạo, cá tra chuẩn bị xuất khẩu đi các nước thì nay vắng tanh, đìu hiu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cảnh "đói hàng" như: doanh nghiệp đã chuyển hướng về cảng Cát Lái; doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế…
"Từ nay đến cuối năm sẽ không có hàng hóa gì xuất khẩu tại cảng này. Hiện nay giá gạo liên tục biến động nên hầu như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thua lỗ hoặc lợi nhuận rất ít. Bây giờ chỉ hy vọng đầu năm 2024 doanh nghiệp lúa gạo, cá tra sẽ có đơn hàng đi các nước", ông Hiệp nói thêm.
Trong khi giá lúa gạo trong nước liên tục tăng mạnh, nông dân phấn khởi thì cảng Mỹ Thới lại “đói” hàng hóa xuất khẩu. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu gạo và tàu biển không vào chở hàng được.