Phụ huynh bắt đền nhà trường
Năm nay đã bước qua năm thứ 19 làm công tác giám thị, thầy Lê Văn Thắm, tổng giám thị Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM, vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm.
Ngày ấy cả trường xôn xao khi nhận tin em H., nữ sinh lớp 8 hệ nội trú đã trốn ra khỏi trường. Lớp 8 tức em mới có 14 tuổi. Nhà em ở tận Bình Phước, em mới lên TP.HCM học được vài tháng, chưa bao giờ em ra khỏi trường mà không có người lớn đi cùng. Những thông tin ấy cứ xoáy vào suy nghĩ của thầy Thắm.
"H. không có bà con hay người quen ở TP.HCM. Vậy em đi đâu? Là con gái lại còn trẻ người non dạ, lỡ có chuyện gì. Tôi chỉ dám nghĩ đến đó và tự đặt ra yêu cầu đối với bản thân mình bằng mọi giá phải tìm ra H. nhanh nhất có thể", thầy Thắm kể với giọng xúc động.
Rồi sau khi hỏi thông tin từ bạn cùng lớp, bạn cùng phòng với H., và xâu chuỗi lại tất cả thông tin, thầy bắt taxi đến một khách sạn. Cửa phòng khách sạn mở ra, H. ngạc nhiên đến mức không nói được lời nào khi thấy thầy giám thị đứng nhìn em với ánh mắt đầy lo lắng:
- Cả trường đang lo cho em đấy! Em có ổn không, tối nay đã ăn uống gì chưa?
H. cúi đầu, lặng im.
- Thôi, bây giờ thấy em ở đây là tốt rồi. Giờ thầy đưa em về trường.
- Em không muốn về. Em về bạn em sẽ buồn...
Thế là, thay vì đưa H. về trường ngay, thầy Thắm bước vào phòng, ngồi nói chuyện với hai học sinh. Bạn của H. cũng là học sinh nội trú của một trường trung học trên địa bàn quận, cũng trốn khỏi trường để đi chơi với H.. Lý do để hai học sinh rủ nhau đi chơi khá đơn giản: "Buồn quá không biết làm gì. Mà tiền bố mẹ cho lại quá nhiều. Đi chơi để xài cho hết tiền...".
Sau buổi nói chuyện, cả hai học sinh vẫn không đồng ý theo thầy Thắm về trường:
- Giờ mà về thì tụi em cũng bị kỷ luật, bị đuổi học mà thôi.
- Thế em không thương thầy sao? Em trốn ra khỏi trường đi chơi như thế này là thầy sẽ bị kỷ luật trước đấy chứ. Thôi về trường đi em. Có chuyện gì thì hai thầy trò mình cùng giải quyết.
Trong lúc thầy Thắm thuyết phục H. và bạn của em ở khách sạn thì tại trường, mẹ của H. từ Bình Phước hớt hải chạy lên. Bà phăm phăm đi vào văn phòng trường, đập bàn: "Tại sao trường lại để cho học sinh trốn ra ngoài? Bây giờ tôi biết tìm con tôi ở đâu? Trời ơi, tôi tin tưởng nhà trường nên mới giao con cho trường. Các thầy cô có biết đó là đứa con vàng, con bạc của tôi không?".
Nói rồi phụ huynh vừa khóc vừa kể lể, rằng: "Tôi cưng con hơn hết thảy, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, không để con thiếu bất cứ thứ gì trên đời này. Tôi sắm điện thoại gần 40 triệu đồng cho nó. Cuối tuần, con về nhà chơi, tôi cho nó tiền ra nhà hàng thích ăn món gì cứ kêu thỏa thích. Mà giờ như vầy đây. Tôi bắt đền nhà trường...".
Sau ngày ấy, thầy Thắm quan tâm đặc biệt đến H.: "Sau nhiều ngày nói chuyện, tâm tình, một hôm H. bộc bạch là em cảm thấy rất cô đơn. Ba mẹ em suốt ngày chỉ biết công việc và kiếm tiền chứ không quan tâm đến em.
Cuối tuần, học sinh nội trú được người thân đón về nhà. H. thường xuyên phải ở lại trường. Có tuần khi H. nói nhớ nhà quá thì mẹ em cho tài xế đến đón để đưa con về. Khi về đến nhà em cũng ít được gặp ba mẹ bởi hai người đi công việc đến khuya".
Rơm rớm nước mắt, thầy Thắm chia sẻ: "Trên đời này, sự thiếu thốn về vật chất người ta có thể dễ dàng vượt qua, nhưng sự thiếu thốn về tình cảm là một thử thách lớn đối với trẻ, nhất là trẻ đang trong giai đoạn dậy thì.
Trong khi đó, em H. nói với tôi là cuối tuần em muốn được về nhà, em mong được ăn một bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Em muốn được mẹ âu yếm, hỏi han. Nhưng đáp lại, mẹ em vứt cho em một xấp tiền, kêu "rủ bạn ra nhà hàng ăn đi con" rồi cáo bận và đi mất. Em còn kể lần đầu tiên có kinh, em đã sợ đến phát khóc. Em gọi cho mẹ những mong mẹ sẽ giải đáp những lo lắng của con gái khi bước vào tuổi dậy thì. Nhưng mẹ em không nghe máy".
Nghe tâm sự của cô trò nhỏ, thầy Thắm đã hứa: "Thầy sẽ nghĩ cách giúp em. Từ nay, nếu có việc gì băn khoăn, bức xúc hay đơn giản là cần chia sẻ, em cứ nói với thầy. Ở nhà thầy cũng có con gái nên thầy hiểu".
Rồi thầy Thắm gọi điện cho mẹ H.. Ngay cuối tuần đó, mẹ H. đã trực tiếp lên TP.HCM đón con về nhà. "Chứng kiến cảnh hai mẹ con em ấy ôm nhau khóc, tôi cũng xúc động không kém", thầy kể. Từ đó, tuần nào H. cũng được đón về nhà và ăn cơm với ba mẹ...
"Mẹ chỉ biết đánh con, mắng con như làm vui"
Th., một nam sinh lớp 10 một trường THPT ở TP Thủ Đức, TP.HCM, đã nói về mẹ với thầy giám thị Hoàng Văn Hoan như thế.
Theo thầy Hoan thì: "Tôi chú ý đến Th. bởi em rất đặc biệt, giờ ra chơi toàn ngồi một mình ở hành lang trường. Khi tôi đến bắt chuyện rồi hỏi han, lúc đầu em chỉ trả lời cho có. Nhưng dần dần em cởi mở hơn và tâm sự. Em nói em không muốn đi học, cũng không muốn gặp mẹ.
Em muốn đi làm kiếm tiền và thoát ly khỏi gia đình bởi mẹ không thương con, mẹ không bao giờ lắng nghe con dù chỉ một lần. Mẹ chỉ biết đánh con, mắng con như làm vui".
Thầy Hoan tìm cách gặp mẹ của Th., không ngờ bà tuôn trào những ấm ức bấy lâu nay mà không biết bày tỏ cùng ai: "Tôi điên nó lắm thầy ạ. Mắng nó, chửi nó, rồi đánh nó cũng không ăn thua. Giờ tôi mệt mỏi lắm rồi, hết cách rồi. Ba cháu mất sớm, một mình tôi nuôi ba đứa con.
Thằng Th. là con lớn nhất nhưng cũng làm cho tôi đau đầu nhất. Hồi lớp 9 nó kết thân với đám bạn ngoài trường. Cả nhóm này đều đã nghỉ học và đi bưng bê ở quán nhậu, quán cà phê. Chúng nó rủ Th. nhà tôi nghỉ học để đi làm là vì vậy".
Thầy Hoan khuyên mẹ của Th. không nên đánh con nữa: "Tuổi này các cháu đã có sĩ diện bản thân. Nếu cần khuyên bảo mong chị hãy nhẹ nhàng hơn với con, đừng la mắng con trước mặt bạn bè hoặc hai đứa em. Điều này sẽ làm cho con càng bức xúc hơn nữa".
Khi gặp lại Th., thầy Hoan đã hỏi:
- Con có thấy mẹ con quá vất vả và bận rộn khi một mình phải tảo tần nuôi ba anh em con không?
- Dạ, có.
- Thầy thấy rằng mẹ con cũng có cái sai khi thường xuyên đánh, mắng con. Nhưng mẹ con đang phải chịu rất nhiều áp lực con ạ. Con là anh lớn trong nhà nếu con phụ giúp được với mẹ để chăm sóc hai em nhỏ thì mẹ đỡ vất vả biết bao nhiêu.
Thầy đã trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống. Thầy rút ra kinh nghiệm rằng bạn bè tốt phải là những người chỉ cho mình những điều hay lẽ phải, giúp mình tránh xa những thói hư, tật xấu. Thầy hỏi thật con nha: có phải con hút thuốc là học theo nhóm bạn thân của con không?
Th. gật đầu xác nhận.
Rồi thầy Hoan dùng phương pháp mưa dầm thấm lâu, nói chuyện với Th. hằng ngày, phân tích thiệt hơn giữa việc học tiếp và việc nghỉ học đi phụ chạy bàn ở quán nhậu. Mặt khác, thầy Hoan cũng chính là người đã tư vấn cho mẹ của Th. trong việc ứng xử với con trai.
Năm nay, Th. đang học lớp 12. Cậu mục tiêu chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Giờ nhớ lại, Th. vẫn không tin đã có lúc mình từng muốn nghỉ học để đi làm, đã có lúc mình ghét mẹ.
***************
Nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong trường, nhiều giám thị đã gặp tai nạn nghề nghiệp khiến bản thân bị kỷ luật hoặc mất việc.
Kỳ tới: Những tai nạn nghề nghiệp của đời giám thị
Thầy cô giám thị vẫn hay được hiểu nôm na như... "cảnh sát trưởng" trong các trường học phổ thông, chỉ biết quát mắng, ghi tên học sinh vi phạm, cấm vào trường khi đến muộn.