Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc.
Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100kWh thay cho 50kWh hiện nay; còn bậc cao nhất từ 701kWh trở lên.
5 bậc giá bán lẻ điện sinh hoạt, dùng càng nhiều trả nhiều
Giá điện các bậc thang 1-5 được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng một kWh (mức điều chỉnh từ 9-11). Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.806,11 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612,22 đồng một kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.
Ngoài rút gọn số bậc thang, Bộ Công Thương cho biết ở lần chỉnh sửa này giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện.
Theo đó, giá điện cho 100kWh đầu tiên được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (gần 33,5% tổng số hộ dùng điện cả nước).
Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của số hộ này sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng điện 401-700kWh và trên 700kWh. Tức là giá điện các bậc cao (từ 400kWh trở lên) được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp, theo Bộ Công Thương.
Đánh giá về phương án giá sinh hoạt theo 5 bậc, cơ quan soạn thảo cho rằng sẽ phản ánh chi phí tiêu dùng điện. Có nghĩa các chi phí này được phân bổ đến từng nhóm khách hàng sử dụng; giúp hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
Ngoài ra chênh lệch giữa bậc 1 và bậc 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy vậy các hộ dùng điện nhiều từ trên 701kWh/tháng (khoảng 2% số hộ dùng điện toàn quốc) phải trả tăng tiền điện mỗi tháng.
Giá điện cho ngành du lịch sẽ tính bằng giá sản xuất
Cũng theo dự thảo, giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch sẽ được tính bằng giá cho sản xuất, nhằm tính đúng, đủ chi phí cho nhóm khách hàng sản xuất.
Theo đó phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” có thể được xem xét để bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất 4-8% so với giá bán lẻ bình quân hiện nay.
Cũng bởi giá giờ thấp điểm của nhóm khách hàng này thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân (52-56%). Tuy vậy, việc áp ngang giá hai lĩnh vực này cũng có nhược điểm là các doanh nghiệp sản xuất sẽ tăng giá khoảng 1,27-3,85%.
Nhóm khách hàng đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ bổ sung bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, chiếu sáng công cộng.
Đề xuất 3 phương án cho giá điện ở trạm sạc xe điện
Tương tự bản dự thảo đưa ra hồi tháng 7, Bộ Công Thương đưa ra giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện chia theo cấp điện áp (giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm), nhưng lại đề nghị ba phương án.
Phương án 1, giá thấp nhất 68% giá bán lẻ điện bình quân và cao nhất 205% giá bán lẻ điện bình quân. Mức giá này được đánh giá là phản ánh chi phí sản xuất điện, đảm bảo phân bổ chi phí tới khách hàng dùng điện.
Phương án 2, giá bán lẻ cho trạm sạc xe điện theo giá kinh doanh. Áp dụng cách này sẽ không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nhưng có thể tác động tới chính sách phát triển xe điện do tăng chi phí sạc điện.
Phương án 3, áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá sản xuất. Phương án này theo Bộ Công Thương có thể tác động tới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, do giá bán lẻ điện sản xuất thấp hơn sẽ dẫn tới tăng giá điện cho các nhóm khách hàng khác, để cân đối lại doanh thu. Tức là sẽ có bù chéo từ các nhóm khách hàng khác cho khách hàng sạc xe điện.
Do phương án 3 áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất với mục đích sạc xe điện sẽ phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng, nên Bộ Công Thương kiến nghị không xem xét phương án này, mà báo cáo Thủ tướng lựa chọn phương án 1 hoặc 2.
Giá điện bán lẻ ở bậc 5 có mức cao nhất lên tới 3.457 đồng/kWh. Mức giá này được xem là đánh vào túi tiền của 2% hộ sinh hoạt sử dụng từ 701kWh trở lên.